Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19-5-1890 (lúc còn nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi là Nguyễn Tất Thành) ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, lớn lên trên quê hương có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, từ nhỏ Nguyễn Ái Quốc đã có chí đuổi giặc Pháp, giải phóng đồng bào. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành con đường cứu nước của các cụ.
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Sau bao năm đi đến nhiều nước trên thế giới và trải qua nhiều nghề khác nhau, Người đã rút ra một kết luận quan trọng: ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo độc ác, ở đâu người lao động cũng bị bóc lột dã man.
Cuối năm 1917, Người từ nước Anh trở lại nước Pháp và tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1919 Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng tiến bộ nhất lúc đó ở Pháp. Vào tháng 6-1919, nhân các nước thắng trận họp Hội nghị Vecxay (Versailles), Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam, gồm 8 điểm đòi Chính phủ Pháp thực hiện quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam.
Tháng 7-1920, Người đã đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo L'Humanite (Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp. Qua Luận cương, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Cuối tháng 12-1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (Tours) Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Sự kiện đó đã đánh dấu bước chuyển biến tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Đồng thời cũng mở ra cho cách mạng Việt Nam một giai đoạn phát triển mới "giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin"[1].
Sau khi đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, từ năm 1921 Người tiếp tục học tập để bổ sung hoàn thiện tư tưởng cứu nước, đồng thời tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam nhằm chuẩn bị tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời chính đảng tiên phong ở Việt Nam.
Về tư tưởng:
- Với tư cách là trưởng tiểu ban Đông Dương của Đảng Cộng sản Pháp, Người đã viết nhiều bài đăng trên báo (Báo Người cùng khổ, Nhân Đạo, Đời sống công nhân, Tập san thư tín quốc tế, Tạp chí Cộng sản...). Người đã góp phần quan trọng vào việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các thuộc địa, đồng thời tiến hành tuyên truyền tư tưởng Mác - Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp với các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đây là thời gian Người thu thập tư liệu cho tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp".
- Đặc biệt, từ ngày 17-6 đến 18-7-1924, Người đã tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế cộng sản. Tại Đại hội này, Người đã trình bày bản báo cáo rất quan trọng về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Bằng nhiều số liệu và tư liệu cụ thể, bản báo cáo đã làm sáng rõ và phát triển một số luận điểm của Lênin về bản chất của chủ nghĩa thực dân, về nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột và giải phóng đấu tranh ở các thuộc địa.
Đây là sự chuẩn bị về tư tưởng, lý luận cho quá trình thành lập Đảng: "Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong"[2]. "Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"[3].
Về chính trị:
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hình thành một hệ thống luận điểm chính trị (sau này phát triển thành những nội dung cơ bản trong cương lĩnh chính trị của Đảng).
1. Chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, xác định chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.
2. Xác định cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng chính quốc có quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể thành công trước cách mạng chính quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng chính quốc.
3. Trong nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo nhất, bị đế quốc phong kiến áp bức bóc lột nặng nề, vì vậy cần phải thu phục và lôi cuốn được nông dân, cần phải xây dựng khối công nông làm động lực cách mạng, đồng thời tập hợp được sự tham gia đông đảo các giai tầng khác.
4. Cách mạng muốn giành được thắng lợi, trước hết phải có Đảng cách mạng nắm vai trò lãnh đạo. Đảng muốn vững phải được trang bị chủ nghĩa Mác - Lênin.
5. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chứ không phải của một vài người. "công nông là gốc của cách mệnh; còn học trò nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn cách mệnh của công nông"[4]. Cách mạng "là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc của một hai người"[5]. Vì vậy, cần phải tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao.
Những quan điểm đó được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên truyền bá về trong nước dưới nhiều hình thức, làm cho phong trào công nhân và các phong trào yêu nước Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ.
Về tổ chức:
Ngay từ giữa năm 1923, trước khi rời nước Pháp sang Liên Xô, trong một bức thư gửi cho các bạn cùng hoạt động, Người đã nói rõ ý định của mình: "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập"[6].
Vì vậy, sau một năm rưỡi hoạt động ở Liên Xô, tháng 11-1924, Người về Quảng Châu (Trung Quốc) - nơi có rất đông người Việt Nam yêu nước hoạt động - để xúc tiến các công việc tổ chức thành lập chính đảng mác xít. Người lấy tên là Lý Thụy, công tác trong phái đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên, do Bô-rô-đin làm trưởng đoàn. Tháng 2-1925 Người lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã, lập ra nhóm Cộng sản đoàn.
Tháng 6-1925, thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi thành lập, từ năm 1925-1927 đã mở trên 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin cho những người trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Hội còn xuất bản tờ báo Thanh niên in bằng chữ quốc ngữ, số đầu tiên ra ngày 21-6-1925. Ngoài ra ban lãnh đạo Hội còn cử người đi học trường Đại học Cộng sản phương Đông (Liên Xô) như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Hà Huy Tập... và trường Quân chính Hoàng Phố (Trung Quốc) như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Trương Văn Lĩnh... Tháng 7-1925 Nguyễn Ái Quốc cùng với một số nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Inđônêxia... tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông.
Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu được tập hợp thành cuốn Đường cách mệnh và những hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã có ảnh hưởng và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của phong trào công nhân, phong trào yêu nước, đưa lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tôn chỉ, mục đích đấu tranh của Hội vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Từ năm 1928, bằng phong trào "vô sản hoá" của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã giác ngộ sâu sắc tinh thần yêu nước và cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, bước đầu kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nhờ vậy, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển. Trước sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam chuyển mạnh sang xu hướng cách mạng vô sản, đến năm 1929 các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhận thấy sự cần thiết phải thành lập một Đảng Cộng sản thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để lãnh đạo và đưa cách mạng đi đến thắng lợi.
Tình hình thực tế đó chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin đã thật sự thâm nhập vào phong trào công nhân và chiếm ưu thế trong phong trào yêu nước Việt Nam: "Lập trường cách mạng giải phóng dân tộc của công nhân đã thắng lập trường giải phóng dân tộc của tư sản"[7].
Như vậy, từ năm 1921 đến năm 1929 bằng nhiều hình thức hoạt động phong phú, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành cuộc đấu tranh kiên trì, gian khổ nhằm truyền bá những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đặc biệt, Người tiếp tục đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ từ việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6-1925) - tổ chức tiền thân của Đảng tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đó là sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để dẫn tới thành lập chính Đảng Cộng sản trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, nửa phong kiến.
[1]Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội, Nxb ST, H, 1976, tr.8.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tr.15.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.24.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.266.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd,t r.261-262.
[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, 1995, tr.192.
[7]Lê Duẩn: Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1967, tr.54.
Thọ Anh