Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời về nhóm vấn đề đầu tiên được chất vấn - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Qua phiên chất vấn của Quốc hội cho thấy, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề nhưng luôn có những khoảng trống pháp lý cần nhanh chóng được cơ quan hữu quan lấp đầy.
Qua phiên chất vấn cho thấy, vẫn còn đó những khoảng trống pháp lý khiến các cơ quan thực thi pháp luật lúng túng, gặp khó khăn. Đơn cử như trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hoạt động thương mại điện tử nở rộ những năm gần đây nhưng chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý để điều chỉnh. Những cuộc livestream bán hàng rầm rộ, ầm ĩ trên các nền tảng xã hội thời gian qua, với doanh số được “khoe” lên tới hàng trăm tỷ đồng/ngày, nhưng không rõ họ có nộp thuế thu nhập đầy đủ hay không, cũng như không ai dám chắc chất lượng hàng hóa mà họ bán có bảo đảm, quyền lợi người mua có bị xâm hại, và ai sẽ là người bảo vệ người tiêu dùng?
Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận quản lý các trang livestream bán hàng là rất khó khăn. Tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh. Vấn đề định danh tài khoản người bán trên thương mại điện tử nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các sàn giao dịch vẫn chưa triệt để. Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng cả về nguy cơ lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, vấn đề thanh toán…, nhưng cũng chưa có đủ quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách hữu hiệu.
Một vấn đề mà các đại biểu cũng chỉ ra là thực trạng hút thuốc lá điện tử hiện nay, rất có hại cho giới trẻ. Nhưng như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được điều chỉnh bởi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, còn sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) chưa được định nghĩa cụ thể trong luật hiện hành. Do vậy, hiện vẫn đang tồn tại khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm này.
Rõ ràng, có những vướng mắc, tồn tại mà qua chất vấn sẽ được xác định cụ thể nguyên nhân, là do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan sẽ có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn với những nội dung cụ thể cho những nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài. Ở đây, có không ít khoảng trống pháp lý trong các lĩnh vực mà cuộc sống đang đặt ra, càng đòi hỏi hơn hết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hạn chế tối đa những khoảng trống đó.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ sớm thành lập Ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý (do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban). Cùng với đó, Chính phủ sẽ đề xuất báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 ban hành 1 luật sửa nhiều luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục chủ trì rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, bổ sung những quy định mà thực tiễn yêu cầu theo lĩnh vực quản lý.
Có thể nói, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia… là những việc rất quan trọng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Vì, thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực. Khẩn trương lấp đầy những khoảng trống pháp lý cũng chính là cách để tăng thêm nguồn lực cho phát triển.
Nguồn SGGP