Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiêm, bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó, nguyên tắc dân chủ được đưa lên hàng đầu. Đồng thời, bổ sung 02 mục đích quan trọng là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm).
Theo Nghị quyết số 96/2023/QH15, tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội dự kiến sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh. Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Có thể thấy việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành toàn diện ở các vị trí chủ chốt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác động lan tỏa tới mọi ngành, lĩnh vực, vì kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ phần nào thể hiện mức độ hài lòng của cử tri đối với không chỉ cá nhân “tư lệnh ngành”, mà còn là thước đo hiệu quả hoạt động của ngành, lĩnh vực nói chung, chỉ ra những ngành nào còn có những hạn chế, tồn tại, thậm chí là những điểm nghẽn gây bức xúc đối với cử tri.
Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng thể hiện sự thống nhất, nghiêm túc đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Trước đó, hồi tháng 5/2023, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, khách quan và công tâm.
Qua nửa nhiệm kỳ, đây là thời điểm phù hợp để nhìn lại, ghi nhận và soi xét quá trình công tác, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chương trình hành động đã cam kết với cử tri của người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm, trước hết thể hiện trách nhiệm và quyền giám sát của Quốc hội và cử tri đối người giữ chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Lấy phiếu tín nhiệm cần thiết phải là động lực thúc đẩy cá nhân tự soi, tự sửa, phát huy năng lực công tác và tìm giải pháp cho những hạn chế của ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để người cán bộ biết mình đang ở đâu, ngành mình đang có những điểm nghẽn nào, lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu, tháo gỡ vướng mắc. Đừng để rơi vào tâm lý sợ sai không dám làm, làm cầm chừng, nảy sinh tư duy nhiệm kỳ. Ngược lại, dù được tín nhiệm cao cũng không vì thế mà sa vào chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với kết quả công tác.
Điểm nhấn rong lấy phiếu tín nhiệm lần này là đánh giá khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ của người được lấy phiếu tín nhiệm. Người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, có quy tụ được đội ngũ, có đoàn kết được cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị thì mới xử lý được những vấn đề khó, phức tạp trên lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, đánh giá trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cần chú ý đánh giá phẩm chất năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ được giao. Đây là những nội dung rất quan trọng
Mỗi lá phiếu của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự giám sát, đánh giá, mong mỏi của cử tri giúp đánh giá hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tế cuộc sống. Người đánh giá phải thật sự trách nhiệm, cân nhắc thận trọng, nhìn nhận thật chính xác từng căn cứ để quyết định mức phiếu đúng đắn, hợp lý đối với mỗi chức danh. Mục tiêu cuối cùng của công việc này là đánh giá đúng cán bộ, nhằm khuyến khích, động viên kịp thời; cảnh tỉnh, nhắc nhở; phòng ngừa, răn đe với những hạn chế, thiếu sót trong ngành, lĩnh vực, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Quang Minh