Truyền thống thờ cúng Vua Hùng
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng trở lên sâu đậm trong đời sống văn hoá tinh thần, là niềm tự hào kiêu hãnh của một dân tộc giàu truyền thống văn hiến luôn trân trọng quá khứ, biết ơn các thế hệ tiền nhân đã dựng xây, giữ gìn và khẳng định chủ quyền của đất nước, dân tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là sợi dây liên kết giữa quá khứ - hiện tại - tương lai mà là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa con người, giữa cộng đồng các dân tộc trong thực tại. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng.
Rước kiệu về Đền Hùng trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Báo Bắc Ninh
Ở cấp độ quốc gia tính cố kết cộng đồng được thể hiện qua Lễ hội Đền Hùng là ngày hội chung của dân tộc, là nơi quy tụ con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền Tổ quốc. Mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một tổ, chung một ngày giỗ Tổ, chung một cội nguồn. Vì vậy Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành biểu tượng của giá trị văn hoá tinh thần vô cùng sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, vừa là niềm tự hào, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.
Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng là sự phát triển cao có tính chất trìu tượng hoá ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ông bà trong gia đình, gia tộc và làng xã. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên những giá trị đạo đức truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân của người Việt Nam.
Phát huy giá trị di tích lịch sử thờ Hùng Vương
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự (quan trọng nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 37 di tích Quốc gia, 135 di tích cấp tỉnh)...
Phú Thọ là tâm điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động lễ - hội tại các di tích thờ Hùng Vương, thu hút hàng triệu đồng bào tham gia. Ngoài Phú Thọ, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương như: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang... đều tổ chức Lễ Giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng Ba (âm lịch) hằng năm tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Đối với tỉnh Phú Thọ, từ năm 2014, cùng thời điểm tỉnh thay mặt đồng bào cả nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày mùng 10 tháng 3 tại Điện Kính thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương, các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương cũng đồng loạt làm lễ dâng hương, tri ân công đức các bậc tiền nhân. Các di tích được quan tâm, trùng tu, phát huy tốt giá trị trên vùng đất Tổ.
Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước, các di tích, địa điểm thờ tự vẫn còn tồn tại với thời gian như khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt. Cùng với các di tích là những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian cực kỳ phong phú, đa dạng: Các tục lệ, kiêng, hèm, diễn xướng, lễ hội, sự tích, các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, các loại hình dân ca, dân vũ, sân khấu dân gian…
Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay không tổ chức phần hội
Trong điều kiện dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, giỗ tổ Hùng Vương năm Tân Sửu chỉ tổ chức phần lễ, thời gian tổ chức tập trung trong 2 ngày 17-4 và 21-4 (tức ngày 6-3 và 10-3 năm Tân Sửu); không tổ chức các nội dung phần hội. Địa điểm tổ chức tại quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Theo dự kiến, lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức ngày 17-4 (tức ngày 6-3 âm lịch); lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày Giễ Tổ và lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong được tổ chức từ 8h ngày 21-4 (tức ngày 10 - 3 âm lịch); lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã thực hiện theo nghi thức truyền thống, bảo đảm trang nghiêm, thành kính, phù hợp với tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh…/.
Theo Báo Bắc Ninh