Hệ thống chính sách bao trùm
Vùng đồng bào DTTS và miền núi chiếm 3/4 diện tích cả nước; giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm 51 tỉnh, thành phố, 362 huyện, 3.434 xã. Đây là địa bàn cư trú chủ yếu của các cộng đồng 54 DTTS. Đến cuối năm 2022, dân số DTTS có hơn 14,3 triệu người, với khoảng 3,4 triệu hộ, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đa số đồng bào DTTS sinh sống ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT – XH) đặc biệt khó khăn.
Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi Mới đều xác định vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng. Đảng ta luôn khẳng định và nhất quán chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu: “ Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS”.
Thể chế hóa chủ trương đó, từ năm 1991 đến nay, dưới định hướng của “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (được bổ sung, phát triển năm 2011), Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ bao trùm các lĩnh vực nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trên chặng đường đó, Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc (NĐ 05) là một dấu mốc trong việc ban hành, hoàn thiện thể chế để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Báo cáo tổng kết NĐ 05 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, sau khi Nghị định được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc quy định tại Nghị định. Trong 10 năm (2011 – 2020) thực hiện NĐ 05, đã có 445 văn bản chính sách được ban hành để triển khai đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong đó, về chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực có 21 văn bản; chính sách đầu tư phát triển bền vững có 163 văn bản; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo có 94 văn bản; chính sách cán bộ người DTTS có 17 văn bản; chính sách đối với Người có uy tín ở vùng DTTS có 4 văn bản; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa có 33 văn bản; chính sách y tế, dân số có 20 văn bản; chính sách thông tin - truyền thông có 25 văn bản; chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý có 10 văn bản; chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái có 23 văn bản; chính sách quốc phòng, an ninh có 9 văn bản; chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng DTTS có 2 văn bản; chính sách phát triển du lịch vùng DTTS có 2 văn bản; chính sách khác 22 văn bản.
Sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu mới
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, NĐ 05 cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử - là văn bản QPPL định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tế. Vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển KT – XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS.
Tuy nhiên, so với bình quân chung cả nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đó những vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết triệt để. Tính đến cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở 74 huyện nghèo trên cả nước đã giảm sâu, nhưng vẫn ở mức 38,62%; tỷ lệ nghèo chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi là 28%, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Điều kiện sống của người dân dù đã được cải thiện nhưng nhiều địa bàn vẫn thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản…
Để giải quyết những vấn đề cấp bách này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là sửa đổi, bổ sung văn bản pháp quy về lĩnh vực công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đầu tiên là sửa đổi, bổ sung NĐ 05 – văn bản pháp quy để định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc. Sau 10 năm thực hiện cho thấy, một số nội dung trong Nghị định không còn phù hợp với hệ thống văn bản, pháp luật hiện hành; một số nội dung chưa thống nhất, đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, và là trách nhiệm đối với hơn 14,3 triệu đồng bào DTTS, Ủy ban Dân tộc đã và đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 05. Dự thảo với rất nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 05 là yêu cầu cấp bách để định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay; nhất là triển khai hiệu quả Đề án Tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, trước mắt là Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta có Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó quy định, triển khai nhiều chính sách đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực phát triển KT - XH, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh,... Chương trình MTQG 1719 cho thấy rõ tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đang hướng tới, với mục tiêu tất cả vì con người, cho con người và phát triển con người toàn diện.
Để kịp thời động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc, từ đó củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 05 đề xuất sửa đổi chính sách biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo Dự thảo, định kỳ 2 năm đối với cấp huyện và cấp tỉnh, 5 năm đối với cấp Trung ương tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Báo Dân tộc