Từ câu chuyện của một đại biểu đưa ra tại nghị trường về việc một lô hàng 22.000 lon sữa từ nước ngoài gửi về ủng hộ trẻ em khó khăn nhưng một tháng không lấy ra được, nhiều vấn đề đã được đặt ta về sự “cứng nhắc” trong giải quyết thủ tục hành chính giữa bộ, ngành và địa phương. Trong những phản hồi của các ngành liên quan, việc hướng dẫn có thẩm quyền đã được chỉ rõ. Dù trong trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng, cơ quan chức năng đã chỉ đạo cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan theo quy định hiện hành. Đây là giải pháp tình thế được hoan nghênh, nhưng nhiều điều “giá như” vẫn được dư luận đặt ra.
Đúng như đại biểu đã phân tích, cách làm của một đơn vị chức năng đúng quy định, không hề sai quy trình và đúng trách nhiệm, nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nếu đơn vị linh hoạt hơn, tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời chắc sẽ tốt hơn, vấn đề sẽ được giải quyết.
Đây cũng chỉ là một ví dụ cho việc làm sao thúc đẩy sự mạnh dạn để mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, thay vì “máy móc” với cụm từ đúng quy trình, làm tròn trách nhiệm.
Đặc biệt, trong thời điểm phòng, chống dịch, nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ hoặc cấp bách cần phải giải quyết, càng đòi hỏi hơn những tư duy linh hoạt hơn. Việc tạo ra cơ chế hành chính thật sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành, của từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cấp thiết, để mọi việc vẫn chạy và có lợi tốt nhất cho người dân.
Cũng về vấn đề “sợ trách nhiệm”, chính từ nghị trường, các đại biểu cũng chỉ ra, căn bệnh này đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, len lỏi vào mỗi người. Trong đó, có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định chỉ vì để an toàn cho bản thân. Dẫn chứng điển hình nhất trong đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ bị kỷ luật, xử lý hành chính.
Hay tình trạng dù đã thực hiện quy định về thích ứng an toàn nhưng có địa phương vẫn áp dụng biện pháp "ngăn sông cấm chợ", ngăn chặn, hạn chế giao thương, nhằm tránh phát sinh F0...
Đột phá, dám làm, dám sáng tạo, đó là những điều người dân mong muốn ở cán bộ, cũng là yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng hệ thống chính trị kiến tạo, phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, không thấy đúng không dám làm. Dù nhiều lý do để đưa ra lý giải cho việc “sợ” này, nhưng việc vẫn tồn tai những tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền thiếu tính tiến công, sợ chịu trách nhiệm... sẽ là lực cản lớn cho sự phát triển, cần nghiêm túc để nhìn nhận và có giải pháp để khắc phục.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đang dần được hoàn thiện, hy vọng đây sẽ là những liều thuốc để trị bệnh “sợ trách nhiệm”, để không còn những câu chuyện “đúng quy trình” nhưng cứng nhắc, máy móc và gây bức xúc trong dư luận người dân./.
Theo Kinh tế và Đô thị