Bảo vệ dòng tiền là ưu tiên hàng đầu
Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp XK rau quả hiện nay, như chia sẻ của ông Tùng, khi muốn xuất một loại trái cây gì cũng cần sự ổn định lâu dài về vùng nguyên liệu. Phía DN đã đầu tư cho nông dân và bao tiêu đầu ra, thậm chí là ứng tiền cho nông dân để mua phân thuốc và nhiều thứ khác. Cho nên dòng tiền của DN nằm ở đó rất nhiều.
Tổng giám đốc Vina T&T Group lưu ý một khi dòng tiền bị chặn lại có nghĩa là mọi thứ đối với DN sẽ rất khó khăn. Điều này không chỉ xảy ra với ngành rau quả mà còn với các ngành khác đều có liên quan đến dòng tiền.
“DN hoạt động dựa trên dòng tiền. Mặc dù hiện nay chúng tôi có tài sản và mọi thứ nhưng lại không tiếp cận được dòng vốn vay của ngân hàng. Điều này gây ra nhiều khó khăn”, ông Tùng chia sẻ.
Cũng theo vị này, để một DN có tiềm lực tiền mặt sử dụng hết 100% là rất hiếm hoi. Và mọi thứ các DN phải chạy theo tài sản, dòng tiền, kinh doanh, đầu tư trở lại... Cho nên hy vọng sắp tới Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phân biệt rõ ràng đối với những DN sản xuất, những DN tiêu dùng hay những DN tạo ra giá trị xã hội để có một sự ưu tiên nhất định.
“Không thể vì một lý nào đó mà chúng ta hoà mọi thứ lại với nhau và gây khó khăn về dòng tiền cho DN. Như vậy nền kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Tùng nhấn mạnh.
Còn ở góc độ của một DN lớn trong ngành bán lẻ, trong buổi họp với các nhà đầu tư vào hạ tuần tháng 11/2022, lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) có cho biết, việc bảo vệ dòng tiền sẽ là ưu tiên hàng đầu của công ty này trong thời gian tới.
Theo đó, “chìa khóa” để MWG vượt qua thời kỳ khó khăn là ưu tiên duy trì dòng tiền ổn định hơn là lợi nhuận. Các giải pháp chính bao gồm: Tập trung quản lý hàng tồn kho và dự báo hàng hóa để giảm thiểu chi phí. Loại bỏ các sản phẩm bán chậm, nhất là duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng, cho phép DN tiếp cận tín dụng với chi phí cạnh tranh.
Có thể nói việc thiếu hụt dòng tiền đang là nỗi lo thường trực của nhiều DN vào thời điểm cuối năm này khi chỉ còn khoảng 1 tháng là kết thúc năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề. Đây là thời điểm DN bước vào cao điểm sản xuất kinh doanh và gia tăng hoạt động XK nên rất cần nguồn vốn để hoạt động.
Cần sớm khai thông dòng vốn cho DN
Tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay của các DN đang thực sự gặp khó trong khi áp lực lên lãi suất vẫn đang ở mức cao. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài với yêu cầu tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, XK, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Động thái này có thể là tia hy vọng cho các DN sản xuất kinh doanh và XK trong bối cảnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về thị trường tiêu thụ lẫn nguồn vốn để quay vòng sản xuất.
Nhất là trong bối cảnh hoạt động XK vào thời điểm cuối năm đang gặp nhiều thách thức lớn khi lạm phát tại các thị trường tiêu thụ chính tăng cao, nhu cầu tiêu dùng thay đổi khiến đơn hàng sụt giảm, tỷ lệ tồn kho tăng, vòng quay vốn chậm. Trong khi đó, không chỉ các gói ưu đãi lãi suất khó tiếp cận, các ngân hàng thương mại lại cắt giảm hạn mức tín dụng khiến DN càng thêm khó khăn.
Theo giới chuyên gia, các DN đang đối mặt với thiếu hụt khoản tiền mặt để luân chuyển. Cùng với lãi suất ngân hàng đè nặng lên vấn đề tài chính, thời gian này nhiều DN đang gặp những khó khăn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh cuối năm và vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ thỏa đáng.
Trong khi các DN gặp khó về nguồn tiền giữa lúc doanh thu sụt giảm thì lại phải lo đủ thứ vào thời điểm cuối năm, từ lương, thưởng công nhân, nguyên vật liệu đầu vào và chuẩn bị cho mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm và cho cả năm tới.
Xét về “sức khoẻ” dòng tiền của DN cũng không thể bỏ qua tình hình DN rút lui khỏi thị trường. Như số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 11/2022 có 4.006 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hơn thế nữa, trong tháng 11/2022 có 5.095 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,3% so tháng 10/2022 và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm rồi. Bên cạnh đó, có 1.422 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, tính chung trong 11 tháng năm 2022, số DN rút lui khỏi thị trường là 132,3 nghìn DN, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tính ra bình quân một tháng có 12 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Tựu trung lại, giữa nhiều khó khăn bủa vây vào thời điểm cuối năm thì điều mong mỏi của phía DN là các giải pháp về vốn sản xuất và nâng mức tín dụng là rất cần được khơi thông nhanh chóng đến với họ. Như vậy sẽ giúp hạn chế phần nào số DN phải rút lui khỏi thị trường, cũng như giúp DN duy trì, phát triển sản xuất và XK vào cuối năm và cho năm 2023 sắp tới.