Như vậy, từ ngày 3 - 5/6 triển khai bán vàng miếng SJC, mỗi ngày NHNN hạ 1 triệu đồng/lượng. Tổng cộng vàng miếng SJC đã giảm tới 3 triệu đồng/lượng sau ba ngày bán vàng qua kênh ngân hàng.
Trên thị trường, các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC đồng loạt niêm yết bán giá vàng tới người dân ngày 5/6 ở mức 77,98 triệu đồng/lượng, mua vào 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng SJC cũng giảm rất mạnh, xuống còn 1,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên thị trường ổn định, dù giá vàng thế giới lên xuống trong biên độ rất rộng. Hôm qua có thời điểm giá vàng thế giới giảm hơn 30 USD/ounce, về dưới 2.320 USD/ounce. Đến đầu giờ chiều 5/6, giá vàng thế giới bật tăng trở lại mức 2.336,6 USD/ounce. Với mức giá này, chênh lệch giữa 2 thị trường còn gần 6 triệu đồng, so với mức gần 7 triệu đồng của ngày 4/6 và mức 10 triệu đồng trước thềm NHNN chuẩn bị bán đợt vàng bình ổn.
Bất chấp giá giảm từng ngày và NHNN khẳng định sẽ rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới, khuyến cáo người dân cần thận trọng, người dân vẫn chen chúc mua vào. Tình trạng “phơi nắng”, “đội mưa” xếp hàng dài tại các địa điểm bán vàng ngày một đông trong suốt 3 ngày qua.
Người mua với tâm lý kì vọng giá vàng thế giới còn tăng cao, cộng với tâm lý lo nguồn cung ít (do các ngân hàng giới hạn số lượng mua, thậm chí có nơi sau 5 phút mở bán, đã hết số đăng ký) nên càng mong muốn có được vàng.
Hiện chênh lệch giá mua với giá bán vàng miếng vẫn duy trì ở mức cao. Với quyết tâm từ NHNN kéo giá vàng xuống, các chuyên gia dự đoán giá vàng SJC sẽ còn tiếp tục đi xuống tới mức 75 - 76 triệu đồng/lượng trong những ngày tới và dần tiệm cận với giá thế giới. Vì vậy, người mua cần thận trọng và không nên chạy theo tâm lý đám đông để quyết tâm mua vàng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên tăng lượng vàng cung ứng mỗi ngày để khách hàng khi có nhu cầu lập tức được đáp ứng ngay, thay vì phải đăng ký và chờ đợi. Một khi số lượng vàng được bán không giới hạn, yếu tố tâm lý sẽ được giải tỏa.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Công ty SJC huy động năng lực. Từ đó đáp ứng yêu cầu sản xuất vàng miếng SJC của NHNN với khối lượng lớn. Việc này nhằm phục vụ việc can thiệp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Xong, để đảm bảo cân bằng cung cầu, cần xoá bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.Vấn đề cung-cầu, độc quyền gây nên tắc nghẽn nguồn cung. Phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt bằng giải pháp thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cũng tồn tại thay vì độc quyền.
Về lâu dài, càng tăng cung vàng vật chất thì càng “vàng hóa” cao. Vì thế, cùng một lúc phải triển khai đồng bộ các giải pháp. Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Chuyển đổi từ vàng vật chất sang vàng phái sinh,chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng như chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,... trên một trung tâm giao dịch tập trung. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Hiện tại kinh tế vĩ mô ổn ổn định, lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, đồng tiền ổn định và nếu cơ hội đầu tư vào một số thị trường tài sản phục hồi đó sẽ là điều kiện để dòng tiền không tìm nơi ẩn nấp là vàng...
Theo Kinh tế và Đô thị