Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an chiều ngày 24.3. Ảnh: CTV
Công an Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo Công an TPHCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác.
Việc khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng cho thấy, pháp luật không có vùng cấm, mọi hành vi phạm pháp luật công khai, thách thức công luận sẽ bị trừng phạt thích đáng. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những ai ảo tưởng về quyền lực, tự cho mình quyền thóa mạ, xúc phạm, đưa thông tin không có căn cứ về người khác.
Tuy nhiên, góp phần cổ vũ cho các hành vi sai trái của bà Nguyễn Phương Hằng là nhiều “fan cuồng” trên mạng xã hội và trực tiếp ủng hộ, tiếp tay cho bà Hằng, thậm chí coi bà là thần tượng, chỉ trích, tấn công những người lên tiếng phê bình, phản biện bà Hằng.
Hiện tượng nói trên cho thấy, một bộ phận người dân nhẹ dạ cả tin, dễ dàng nghe, tin theo những lời nói không có căn cứ, thậm chí a dua một cách mê muội. Đây là điều rất đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy nghiêm trọng, gây bất ổn xã hội.
Thiết nghĩ, các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một bộ phận người dân rất thiếu tỉnh táo, dễ dàng tin theo một cách mê muội những điều nhảm nhí, bị lôi cuốn vào những “trend” ồn ào, thất thiệt trên mạng xã hội.
Từ đó, có những giải pháp quản trị xã hội, hoàn thiện hành lang pháp lý để hạn chế, ngăn chặn các hành vi tương tự, góp phần làm ổn định xã hội.
Cần có những chế tài nghiêm khắc và kịp thời để xử lý nhanh chóng, triệt để mọi hành vi vi phạm pháp luật, tránh để kéo dài gây nhiều hậu quả tiêu cực./.
Theo LĐO