Tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 25%
Những năm gần đây, năng suất và hiệu quả sản xuất lúa ở nước ta nhìn chung tăng chậm, nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự suy giảm độ phì của đất trồng.
Nhiều năm qua, lượng phân hữu cơ bón cho lúa ngày càng giảm. Việc lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ dịch hại còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, làm cho đất đai suy thoái, chai cứng, mất kết cấu, khả năng giữ nước và hấp phụ dinh dưỡng giảm, bất lợi cho sự sinh trưởng của cây và sự đa dạng của vi sinh vật trong đất, làm tăng chi phí sản xuất và gây ô nhiễm môi trường.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước vào khoảng 11 triệu tấn/năm, trong đó phân vô cơ chiếm khoảng 90%. Nhu cầu tiêu thụ phân hữu cơ và một số chủng loại khác vào khoảng 10%.
Canh tác lúa tiên tiến vừa góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, vừa nâng cao năng suất lúa. Ảnh: Nông nghiệp
Trong sản xuất lúa, chi phí về phân bón chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng hiệu quả sử dụng lại thấp, chưa tới 50%, số còn lại bị thất thoát qua con đường rửa trôi, bốc hơi, thấm sâu vào đất và nước ngầm... cùng với lượng thuốc trừ sâu hại đã gây nên các hệ lũy như: mất cân bằng sinh thái trong đất, ô nhiễm nước và không khí, làm giảm chất lượng nông sản giảm.
Ngoài ra, việc gieo sạ dày quá mức cần thiết và không áp dụng tưới nước tiết kiệm cũng làm tăng thêm áp lực về giống và nhu cầu nước tưới, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Bởi vậy, Dự án Sản phẩm Quốc gia lúa gạo đã triển khai các đề tài nghiên cứu và hoàn thiện các gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung bộ (bao gồm các tỉnh Bắc Trung bộ) và Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu chính của đề tài là nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và đảm bảo chất lượng gạo cao, an toàn thực phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu. Thông qua đó, xây dựng các mô hình ứng dụng trên thực tế, giúp tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 25%.
Phù hợp nhiều vùng sinh thái
Trong những năm qua, các đơn vị như Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã tích hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: sử dụng nấm Trichoderma spp nhằm ức chế các loại nấm bệnh và thúc đẩy phân hủy rơm rạ trước khi cày vùi đất, cơ giới hóa trong khâu làm đất.
Sử dụng hạt giống cấp xác nhận, hạt giống được xử lý mầm bệnh trước khi gieo, cải tiến giá thể duy trì pH ổn định kéo dài thời gian lưu mạ mà không cần bổ sung dinh dưỡng đặc biệt phù hợp khi gặp thời tiết bất lợi trong trà cấy.
Gieo mạ khay, cấy máy hoặc dùng máy gieo sạ, công cụ sạ hàng, phun thuốc trừ sâu bằng máy phun áp lực rộng 20m. Sử dụng phân bón tổng hợp phân "nhả chậm" và bón phân bằng máy phun phân bón, áp dụng tưới nước tiết kiệm nông - lộ - phơi. Bên cạnh đó là thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, vừa giúp giảm chi phí sản xuất vừa góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo TS. Lại Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, việc ứng dụng quy trình canh tác lúa tiên tiến vào mô hình liên kết tại các tỉnh Nam Trung bộ đã giúp giảm 40-50% lượng giống gieo/ha, giảm trên 30% lượng nước tưới/vụ, giảm trên 30% chi phí bảo vệ thực vật, giảm 26,8-27,6 kg N/ha (21,7-22,3%). Tuy nhiên, năng suất tăng 11,32-11,8%. Thông qua đó, giảm chi phí sản xuất khoảng 7%%, lợi nhuận tăng 8,16- 8,83 triệu đồng/ha so với qui trình canh tác trên diện rộng.
Còn theo TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả của đề tài nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng giống có phẩm cấp trên 75% năm 2020, giảm lượng giống gieo trồng dưới 150 kg/ha./.
Theo Nông nghiệp