Lợi ích dân tộc có thể được tiếp cận dưới góc độ là lợi ích dân tộc - quốc gia (nation-states) trong mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc hoặc lợi ích của dân tộc - tộc người (ethnic groups) trong mối quan hệ giữa các tộc người, giữa tộc người với dân tộc - quốc gia ở một quốc gia đa tộc người. Lợi ích dân tộc vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính giai cấp, là yếu tố, là động lực thúc đẩy tư duy và hành động của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong nội bộ các quốc gia đa tộc người, mỗi tộc người dần hài hòa về mặt lợi ích đảm bảo sự phát triển bền vững trong sự thống nhất với lợi ích của dân tộc - quốc gia
Trong mối quan hệ với quốc gia - dân tộc khác, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nhất quán nguyên tắc “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết”; giữ vững “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia - dân tộc khác, tôn trọng luật pháp quốc tế và đề cao vai trò của các tổ chức quốc tế với trung tâm là Liên Hợp Quốc (UN) vì hòa bình thế giới, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng và chủ động thiết lập mối quan hệ với các quốc gia - dân tộc khác; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng và cùng có lợi. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương, khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác
Việt Nam là một quốc gia - dân tộc đa tộc người, vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc vừa chiến lược, cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các dân tộc - tộc người ở Việt Nam. Đảng khẳng định rõ nguyên tắc các dân tộc Việt Nam đều có quyền bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đầu tư cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục cho các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, đây là nguyên tắc “bất biến” trong xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Q.M