Cách các nền kinh tế nhập cuộc
Trong khi Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về các biện pháp kiểm soát chuyển giao và xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến, Ấn Độ tìm kiếm được cơ hội hưởng lợi từ việc các công ty lớn tổ chức lại chuỗi cung ứng. Năm 2021, nội các của ông Modi đã phê duyệt chương trình trị giá 9,14 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện tại để hỗ trợ sản xuất màn hình và chất bán dẫn trong nước. Nhà sản xuất chip Micron Technology (Mỹ) cho biết vào tháng 6-2023 rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy ở bang Gujarat của Ấn Độ, với việc sản xuất dự kiến bắt đầu vào năm 2024. Foxconn có kế hoạch xây nhà máy ở bang Karnataka.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng gặp phải một số hạn chế do những lo ngại sâu xa về cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như điện. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp cũng là một vấn đề khác khi nhân viên tại đây chưa sẵn sàng làm việc trong môi trường chuyên sâu, áp lực và nhân viên cũng e ngại sống trong ký túc xá gần nhà máy mà muốn sống cùng gia đình. Đây chính là rào cản về nhân lực khi các công ty lớn đầu tư vào đây.
Ở Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan đã mở rộng các khoản giảm thuế doanh nghiệp mà các công ty chip được hưởng lợi. Ví dụ, một công ty thượng nguồn trong chuỗi cung ứng vào Thái Lan hiện được miễn thuế doanh nghiệp lên đến 13 năm, trong khi trước đây các ưu đãi này chỉ kéo dài tối đa tám năm. Thái Lan đặc biệt tập trung vào việc thu hút các công ty tham gia vào các quy trình đầu tiên, chẳng hạn như thiết kế chất bán dẫn và khắc tấm bán dẫn. Các quy trình này được coi là tiến bộ hơn về mặt kỹ thuật so với các quy trình phụ trợ, bao gồm đóng gói (khác với trường hợp của Malaysia).
Đất nước được coi như thủ phủ công nghiệp ô tô tại Đông Nam Á này cũng đang phát triển một ngành công nghiệp địa phương tập hợp các nhà máy lắp ráp xe điện và các nhà cung cấp. Xe điện được kỳ vọng sẽ chứa nhiều thiết bị bán dẫn hơn ô tô chạy bằng xăng, do đó, lĩnh vực xe điện địa phương sẽ mang lại cho Thái Lan lợi thế về thu hút năng lực.
Trong khi đó, Singapore và Malaysia đều đã có bước khởi đầu thuận lợi trong việc vẽ các cơ sở chế tạo. Tại Singapore – nơi đã phát triển ngành công nghiệp bán dẫn từ những năm 1960, GlobalFoundries của Mỹ bắt đầu hoạt động vào tháng 9-2023 với nhà máy trị giá 4 tỉ đô la Mỹ được xây dựng ở đó. Chính phủ Singapore đã giúp GlobalFoundries có được đất. Applied Materials và Công ty Soitec của Pháp cũng đã chuyển sang mở rộng công suất ở đây.
Đối với Malaysia, gã khổng lồ Infineon Technologies của Đức cho biết chi khoảng 5,45 tỉ đô la Mỹ để mở rộng các cơ sở hiện có, vào hồi tháng 8-2023. Khoản đầu tư này sẽ hướng tới việc sản xuất chất bán dẫn năng lượng cacbua silic (SiC) thế hệ tiếp theo. Đối với các quy trình back-end (đóng gói và thử nghiệm sản phẩm), vào năm 2021, Intel cam kết đầu tư khoảng 6,49 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện tại trong vòng 10 năm tại nước này.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia, chiếm 13% thị phần lắp ráp và thử nghiệm chip toàn cầu, sẽ được hưởng lợi từ Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ. Đạo luật này tạo ra các ưu đãi hữu ích hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn tại Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia (MSIA) Datuk Seri Wong Siew Hai cho rằng Mỹ xây dựng thêm nhiều nhà máy hàng đầu như dự kiến, họ sẽ cần dịch vụ lắp ráp và thử nghiệm nhiều hơn vì công suất hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng cho công suất nhà máy mới. Datuk tin rằng Malaysia có lợi thế khi nổi tiếng về kinh nghiệm trong ngành, chính phủ thân thiện, cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng nhân tài, lao động nói tiếng Anh. Malaysia cũng khuyến khích các khoản đầu tư nhà máy sản xuất có giá trị cao hơn trong chuỗi, khi nhiều công ty ở nước này đã bắt đầu thiết kế mạch tích hợp.
Cơ hội của Việt Nam
Các chính sách công nghiệp và công nghệ của Việt Nam luôn dành những ưu đãi cao nhất cho các dự án công nghệ cao, bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất. Năm 2020, khi các công ty công nghệ tiếp tục rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt để thu hút đầu tư vào công nghệ cao bằng cách đưa ra các ưu đãi tùy chỉnh ngoài những ưu đãi do luật hiện hành quy định.
Những ưu đãi hào phóng không phải là lý do duy nhất khiến các công ty đa quốc gia rót hàng tỉ đô la Mỹ vào hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam. Một lợi thế của Việt Nam so với các nước láng giềng trong khu vực là nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ với chi phí tương đối thấp hơn. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học của Việt Nam theo học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp kỹ sư nhất.
Nguy cơ khi bỏ hết trứng vào giỏ hàng Trung Quốc ngày càng lớn, các công ty bán dẫn nhận thấy Việt Nam là một lựa chọn đầy hứa hẹn cho chiến lược Trung Quốc + 1 của họ. Cụm sản xuất phía Bắc của đất nước chỉ cách Thâm Quyến, trung tâm sản xuất của Trung Quốc, 12 giờ lái xe. Điều đó đảm bảo sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở mức tối thiểu cho những ai muốn đa dạng hóa.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới với 15 hiệp định thương mại tự do, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và chính phủ tương đối ổn định với các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội rõ ràng. Tính trung lập về địa chính trị của đất nước là một điểm cộng nữa cho các công ty công nghệ đang tìm kiếm địa điểm có rủi ro thấp để sản xuất và xuất khẩu.
Bối cảnh bán dẫn của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trên tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Synopsys – công ty hàng đầu về phần mềm thiết kế chip – đang chuyển hoạt động đầu tư và đào tạo kỹ thuật từ Trung Quốc sang Việt Nam. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, Amkor Technology, đã ký thỏa thuận vào năm 2021 để thành lập nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 1,6 tỉ đô la Mỹ tại tỉnh Bắc Ninh và đã đi vào hoạt động giai đoạn đầu từ tháng 10-2023.
Việt Nam nên làm gì?
Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh để đón đầu cơ hội nâng cao nhu cầu về sản phẩm bán dẫn cũng như sắp xếp lại chuỗi cung ứng trong ngành này. Tuy nhiên trước bối cảnh áp thuế tối thiểu toàn cầu 15%, các trợ cấp trực tiếp mang tính thuế quan và ưu đãi bằng tiền sẽ giảm tác dụng. Thay vào đó, Việt Nam nên chú trọng vào yếu tố mềm và gián tiếp như cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và đặc biệt là nguồn nhân lực.
Hiện tại, Việt Nam có thể tập trung vào khâu thấp hơn trước như lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói. Các doanh nghiệp FDI sẽ đảm nhận trọng trách này do cần vốn đầu tư rất lớn. Còn các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện các nhiệm vụ khác như thiết kế với sự trợ giúp và mua bản quyền cấp phép từ Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, nơi lực lượng lao động đang thiếu hụt để thực hiện mọi hoạt động kinh doanh trong chuỗi. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thu hút FDI vào khâu sản xuất như trường hợp của Intel và Samsung.
Để thành công trong ngành bán dẫn, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Vì vậy, Việt Nam nên xây dựng các chương trình đào tạo chuyên ngành tại các trường đại học, cao đẳng nghề. Trên thực tế, một số trường đại học ở Việt Nam đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM…
Việt Nam cũng nên cung cấp các chương trình đào tạo công nhân bán dẫn với sự cộng tác của các đối tác trong ngành. Chẳng hạn, Bộ Công Thương hợp tác với Samsung Electronics để cung cấp các chương trình đào tạo cho công nhân bán dẫn tại các nhà máy của Samsung ở Việt Nam. Ngoài ra, việc hợp tác với các trường đại học và cơ sở đào tạo để cung cấp các khóa học ngắn hạn, chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ về kỹ thuật bán dẫn cũng có ích. Lực lượng lao động ngành bán dẫn được phát triển thông qua chính sự gầy dựng và phát triển của các đối tác doanh nghiệp trực tiếp đầu tư tại Việt Nam.
Nhìn chung, các chương trình đào tạo, giáo dục cần ngắn gọn, trực tiếp, có nhiều học bổng, được đầu tư cơ sở vật chất thực hành và có sự hợp tác với doanh nghiệp để người học tiếp cận môi trường làm việc thực tế. Ngành này cần sự quan tâm lớn để đạt được mục tiêu 50.000 sinh viên vào năm 2030.
TBKTSG