Chuyên gia Phạm Chi Lan đã từng ví von: “Thực tế đi săn các đại bàng FDI khó khăn và khốc liệt như bước vào một cuộc chiến. Nơi đó có sự cạnh tranh đến từ chính sách vĩ mô đến hành động vi mô”. Tuy nhiên, việc người đứng đầu Chính phủ, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, đã chỉ ra một trong những nhiệm vụ cần tăng tốc triển khai trong năm 2024, cho thấy, công cuộc “lót ổ đón đại bàng” vẫn chưa thực sự hiệu quả.
1. Tháng 1/2024, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, đại diện Công ty Samsung bày tỏ muốn hợp tác với TP.HCM về việc phát triển điện mặt trời áp mái. Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP đặt ra mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 nhằm xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Để biến mục tiêu này trở thành hiện thực, lãnh đạo UBND TP.HCM bày tỏ mong muốn thúc đẩy sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển sang nền kinh tế xanh, bền vững hơn. Đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo TP.HCM, ngay tại hội nghị, đại diện Công ty Samsung cho biết Samsung muốn hợp tác với TP.HCM trong phát triển điện mặt trời áp mái.
Tuy nhiên, Công ty Samsung cũng cho biết đơn vị này đang chờ các hướng dẫn về mặt pháp lý để có thể đồng hành với TP.HCM phát huy hiệu quả năng lượng mặt trời áp mái đồng thời cũng kiến nghị UBND TP.HCM kiến nghị mạnh mẽ Chính phủ sớm tháo gỡ các chính sách phát triển điện mặt trời áp mái. Xung quanh đề nghị này, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cũng cho biết hiện nay vẫn còn các vướng mắc về giá bán điện và chính sách hỗ trợ.
Mong muốn của tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này cũng là mong muốn của phần đa các tập đoàn công nghệ đã, đang mong muốn đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.
Cho tới thời điểm này, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo vẫn đậm màu u ám, nhưng Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ. “Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điều đó tạo ra một môi trường sản xuất khá là thuận lợi. Samsung đang sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam, sản lượng rất đáng kể, chiếm hơn một nửa số lượng sản xuất của tập đoàn toàn cầu” - ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại Việt Nam, từng đưa ra đánh giá.
“Điểm cạnh tranh của Việt Nam đó là tính toàn cầu. Việt Nam học hỏi từ các quốc gia khác, nhìn nhận những mô hình hiệu quả trên thế giới rồi ứng dụng theo cách thức riêng của mình. Đó là điều rất tốt. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục làm tốt điều đó và duy trì một hệ thống cởi mở… thì chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư và thậm chí cả những nhà đầu tư lớn hơn nữa” - Giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế, Đại học Harvard, cũng từng đưa nhận định hồi năm 2022.
2. Từ thời điểm năm 2022 đến nay, mệnh đề của Giáo sư David Dapice dường như vẫn dừng ở chữ “nếu”. Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy và đánh giá được các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam là điểm đến hết sức hấp dẫn. Tuy nhiên, vị Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, Việt Nam cần thực hiện ba đột phá để thu hút các nhà đầu tư, giữ chân tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới.
Có 3 lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quan tâm. Đầu tiên là hạ tầng và đất đai. Đối với các dự án lớn, nhu cầu về đất đai rất lớn. Nhà đầu tư đặt những yêu cầu về hạ tầng rất cao. Do vậy, giải pháp đối với lĩnh vực đất đai và hạ tầng là chúng ta tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra trong triển khai xây dựng, và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực. Đây là điều không chỉ người dân Việt Nam mà cả các nhà đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài hết sức mong chờ và quan tâm. Bởi vì trong Luật Đất đai có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc cho biêt.
Lĩnh vực thứ hai cần tập trung các giải pháp đột phá là nguồn nhân lực. “Với các nhà đầu tư nước ngoài, quy mô lớn, người ta đòi hỏi rất cao về nguồn nhân lực. Chúng ta có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng cái chúng ta cần tập trung nhiều hơn là trình độ, kỹ năng của người lao động” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ:
Lĩnh vực thứ ba là thể chế. “Cái quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần nghiên cứu tập trung sâu hơn là những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Trên tất cả, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều các nhà đầu tư luôn quan tâm là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính.
Trăn trở này cũng chính là vấn đề được nhiều chuyên gia đồng nhất chỉ ra từ lâu. Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, Việt Nam đang cải thiện môi trường kinh doanh, để lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương cần rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hành chính, hạn chế nhũng nhiễu và theo đúng quy định của họ, ngăn chặn triệt để những tiêu cực có thể xảy ra.
“Không nhà đầu tư nước ngoài nào muốn vào Việt Nam mà phải chờ một năm mới khai trương nhà máy, bị thủ tục hành chính, vấn nạn tham nhũng vặt cản trở” - GS. Nguyễn Mại nói. Do vậy, Việt Nam cần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư để thu hút “đại bàng”.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng từng cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam phải chuyển sang môi trường kinh doanh thúc đẩy, tạo điều kiện, thay vì môi trường ngăn chặn, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh đơn thuần.
TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng nhận định thủ tục đầu tư phức tạp, quy trình thực hiện thủ tục không rõ ràng trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI lớn, công nghệ cao đã làm Việt Nam mất cơ hội có thể có được.
TS. Park Jae Hyun - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển hạ tầng và đô thị Hàn Quốc ở nước ngoài (KIND) tại Việt Nam, cũng từng cho rằng, dòng FDI đổ bộ vào Việt Nam những năm qua là do cải cách kinh tế liên tục của Chính phủ, cộng với ổn định chính trị, lợi thế dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn những trở ngại đáng kể, như tham nhũng, hệ thống tư pháp chưa không phù hợp với chuẩn mực quốc tế, sự yếu kém trong triển khai bảo vệ sở hữu trí tuệ, thiếu lao động trình độ cao…
Rõ ràng, trong câu chuyện “thu hút đại bàng công nghệ”, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn và rất rõ. Cốt lõi là làm thế nào để thu hút, đặc biệt là giữ chân các nhà đầu tư. Nói như ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, “quả bóng” vẫn trong chân Việt Nam, vấn đề là chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch hơn, chống tham nhũng tốt hơn, thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Việc cải thiện ấy phải quyết liệt hơn nữa từ chính sách đến hành động. Còn chần chừ, còn thiếu quyết liệt, không những không săn được đại bàng mà đến chim sẻ, e cũng khó. Không quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!
Theo Công luận