Việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam dựa trên học thuyết Mác - Lênin về hình thái kinh tế - xã hội và lý luận thời kỳ quá độ lên CNXH. C. Mác và Ph. Ăngghen đã luận chứng sâu sắc về tính tất yếu phải diệt vong của CNTB và sự ra đời, sự thắng lợi tất yếu của CNXH, chủ nghĩa cộng sản; đã phát hiện ra vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản cách mạng, Kế thừa, phát triển quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, V.I.Lênin khẳng định cách mạng vô sản có thể nổ ra ở một số nước, thậm chí ở một nước, ở những nước mà CNTB mới chỉ phát triển trung bình, mới hình thành các quan hệ tư bản chủ nghĩa (TBCN) mà cũng có thể ở những nước chậm phát triển, còn lạc hậu, còn tồn tại các quan hệ tiền tư bản. Đây là tư tưởng đặt cơ sở lý luận khoa học về quá độ tới CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN ở những nước lạc hậu. Đó là thời kỳ lâu dài, gian khổ, bắt đầu từ khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền đến khi xây dựng thành công CNXH.
Việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội xuất phát theo tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, con đường đi lên CNXH và từ chính đòi hỏi của thực tiễn - lịch sử dân tộc Việt Nam
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam trải qua những cuộc thử nghiệm lịch sử để lựa chọn con đường đi cho dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước từ lập trường phong kiến, đến lập trường dân chủ tư sản đều không thành công, xã hội rơi vào bế tắc, khủng hoảng về đường lối lãnh đạo. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Cống hiến đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ở chỗ khẳng định tính tất yếu của CNXH với tư cách là một chủ nghĩa nhân văn, phát triển, tiến bộ mà còn định hướng giải đáp câu hỏi "chủ nghĩa xã hội là gì?", để đi đến khẳng định đặc trưng bản chất CNXH ở Việt Nam. Một trong những vấn đề lý luận cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và CNXH. Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường phát triển đặc thù – đó là con đường quá độ bỏ qua chế độ TBCN, đi lên CNXH từ một nước thuộc địa nửa phong kiến. Điều này phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn – lịch sử dân tộc mang đậm tính đặc thù của Việt Nam.
Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô không phải là sự sụp đổ của Học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học nói chung, mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cứng nhắc, xơ cứng, quan liêu được nhân danh là “mẫu mực”, “duy nhất đúng”. Đây chỉ là bước lùi tạm thời trong tiến trình phát triển của CNXH trên toàn thế giới. Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, một số nước xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Lào) vẫn kiên định con đường đi lên CNXH trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, đổi mới, cải cách để tìm kiếm những mô hình phát triển phù hợp với điều kiện của nước mình và đã đạt được nhiều thành công to lớn.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản đã, đang có những điều chỉnh, song về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công, chủ nghĩa tư bản không thể tự giải quyết được những mâu thuẫn vốn có của nó, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Điều đó cho thấy cách thức phát triển kiểu TBCN đang chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn, những tiền đề, điều kiện cho sự phủ định CNTB đang ngày càng chín muồi trong lòng xã hội tư bản, đồng thời cũng chỉ rõ “chỉ có giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới giải quyết được triệt để tất cả những mâu thuẫn đó và mới xây dựng được một xã hội mới nhân văn, tiến bộ, thực sự vì con người”.
Thành công tiếp nối thành công của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, đặc biệt những thành tựu đã đạt được qua hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Với bản lĩnh và trí tuệ, Đảng lãnh đạo cả nước tiến hành công cuộc đổi mới bằng những bước đi, cách làm phù hợp, sáng tạo đã đem tới thành công trên mọi lĩnh vực phát triển của đất nước.
Dù các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn, biện pháp đưa ra các luận điệu chống phá, xuyên tạc, nhưng không thể phủ nhận được con đường đi lên CNXH ở nước ta, vì sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
P.T.H