* Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin
Một là, phủ nhận thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nếu thế giới quan duy vật biện chứng khẳng định tính khách quan của mọi sự vận động, biến đổi, là quan điểm vô thần khoa học, khẳng định tích tích cực, chủ động của con người với tư cách là chủ thể của lịch sử, thì quan điểm duy tâm lại phủ nhận vai trò của con người, dẫn đến phủ nhận vai trò của quần chúng nhân dân, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, tiền đồ của dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hai là, phủ nhận phép biện chứng duy vật, không thừa nhận những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác nêu ra, cho rằng đó là sự “sáng tạo thuần túy trong tư tưởng” của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin.
Ba là, phủ nhận quan điểm duy vật về lịch sử, về tính khách quan của các quy luật của lịch sử mà triết học Mác-Lênin nêu ra. Có ý kiến cho rằng, lịch sử không hề có quy luật mà chỉ là sự vận động hỗn độn, ngẫu nhiên. Rằng, sự khái quát quy luật phải dựa trên sự lặp đi lặp lại của các sự kiện. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong khoa học tự nhiên, không thể thực hiện trong khoa học xã hội, vì xã hội vẫn đang trong trạng thái sinh thành liên tục, chưa có kết thúc. Hơn nữa, xã hội là kết quả của vô số những cá nhân hoạt động vì lợi ích của mình, với vô số quan hệ chằng chịt và các sự kiện không thể dự đoán trước. Cho nên, con người không thể nắm bắt được trạng thái và xu hướng vận động của xã hội, không có quy luật xã hội.
Bốn là, phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác. Cho rằng, giai cấp tư sản không bóc lột giai cấp công nhân. Rằng, trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi máy móc, robot được đưa vào trong sản xuất sẽ tạo ra giá trị thặng dư và siêu lợi nhuận cho nhà tư bản nhưng không có bóc lột.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Thế giới quan triết học duy vật biện chứng là thế giới quan đúng đắn, được hình thành trên cơ sở của các thành tựu khoa học và được minh chứng thông qua lao động sản xuất, cuộc sống, thực nghiệm khoa học.
Phép biện chứng duy vật được tổng kết từ sự phát triển của khoa học tự nhiên, khi nghiên cứu được mối liên hệ phổ biến của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới vật chất thông qua những phát minh khoa học. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin chỉ là người khái quát sự phát triển nhận thức của khoa học, của nhân loại để xây dựng nên phép biện chứng duy vật với tư cách là một chỉnh thể lý luận phản ánh về sự vận động, biến đổi của tự nhiên, xã hội, tư duy mà thôi.
Với việc sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, “Mác đã phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người" Đó là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất; quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; quy luật tồn tại xã hội quyết định ý thức
xã hội; quy luật đấu tranh giai cấp (trong xã hội có giai cấp).
Các quy luật xã hội giống các quy luật tự nhiên cũng tồn tại khách quan và có thể được nhận thức bởi con người. Các quy luật tự nhiên và quy luật xã hội đều có cơ sở chung, đó là tính thống nhất vật chất của thế giới. Các quy luật xã hội khác quy luật tự nhiên ở chỗ, chúng mang tính xu hướng. Vì tính xu hướng đó cho nên việc nhận thức, kiểm nghiệm các quy luật xã hội khó khăn hơn so với các quy luật của tự nhiên. Nhưng như vậy không có nghĩa là con người không thể nhận thức được quy luật xã hội. Ph.Ăngghen đã nhận định: “Nếu như chúng ta muốn đợi cho đến khi những tài liệu cần thiết cho quy luật trở nên thuần khiết thì như thế có nghĩa là tạm đình chỉ những sự tìm tòi của tư duy cho tới lúc đó, và như thế cũng đủ để cho chúng ta không bao giờ có được quy luật.
Qua học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã làm rõ cơ sở và quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Theo C.Mác, để đạt được mục đích làm giàu tối đa của mình, nhà tư bản đã mua sức lao động của công nhân kết hợp với tư liệu sản xuất để tạo ra sản phẩm, thu về giá trị thặng dư. Nhưng nhà tư bản bao giờ cũng chỉ trả một phần giá trị sức lao động cho người công nhân thông qua hình thức tiền lương và bóc lột giá trị thặng dư do người công nhân sáng tạo ra trong quá trình sản xuất. Trong xã hội tư bản, mối quan hệ giữa tư bản và lao động là mối quan hệ cơ bản, sâu sắc nhất, xuyên qua tất cả các quan hệ sản xuất của xã hội đó. Giá trị thặng dư, phần giá trị do lao động của công nhân làm thuê sáng tạo ra bị nhà tư bản chiếm không. Giá trị thặng dư do lao động không công của công nhân làm thuê sáng tạo ra là nguồn gốc làm giàu của giai cấp các nhà tư bản, sản xuất ra giá trị thặng dư là cơ sở tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Từ việc làm rõ phạm trù giá trị thặng dư - cơ sở của sự tồn tại và những bất công trong chủ nghĩa tư bản, C.Mác kết luận rằng, sự diệt vong của xã hội tư sản và sự ra đời của chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa đều là tất yếu như nhau và do tất yếu kinh tế quy định./.
PV