Thứ nhất, khẳng định tính chất dân tộc của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Lực lượng vũ trang Việt Nam ra đời từ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, được tổ chức từ các đội vũ trang của toàn dân tộc (từ những đội tự vệ công - nông đầu tiên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931, các đội du kích hình thành từ các cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn…). Do đó, lực lượng vũ trang tất yếu mang trong mình tính dân tộc Việt Nam sâu sắc; truyền thống, phẩm chất, tinh thần của lực lượng vũ trang là sự kết tinh của truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Quan điểm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” chính là sự sự kế thừa và phát huy, phát triển truyền thống quý báu của dân tộc “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Thứ hai, khẳng định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là sứ mệnh của lực lượng vũ trang. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những yếu tố cấu thành của tổ chức quyền lực nhà nước, có vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ chính thể, bảo vệ quyền lực nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Bảo vệ Tổ quốc là sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam giao phó cho lực lượng vũ trang.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Chính sách quốc phòng "bốn không" của Việt Nam thể hiện quan điểm độc lập, tự chủ, hướng đến hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, khu vực và thế giới. Những luận điệu kích động Việt Nam phải liên minh với một nước lớn nào đó để bảo vệ độc lập, chủ quyền thực chất là nhằm đẩy nước ta rơi vào sự lệ thuộc, phụ thuộc mới.
Thứ ba, khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong tiến trình giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, đồng thời bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Thứ tư, khẳng định những kết quả đạt được trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh, gắn với vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang. Thời gian qua, quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đã chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo, vùng trời; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh, các sự kiện chính trị, văn hóa đất nước, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kịp thời, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động chống đối của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, nội bộ; xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm./.
Quang Minh