Hỏi: Đề nghị Ban biên tập VNTV cho biết những luận điểm của học thuyết Mác - Lênin về phương pháp dân vận?
Trả lời:
C.Mác và Ph.Ăng ghen khẳng định, để đảm bảo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và các giai cấp bóc lột khác, xây dựng xã hội mới công bằng, văn minh hơn, cần có hai yếu tố cơ bản. Một là, giai cấp công nhân phải tự tổ chức ra được chính đảng độc lập của mình. Hai là, bản thân quần chúng phải tự mình tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng ấy, phải tự mình hiểu rõ đó là vấn đề gì và vì sao mình phải tham gia vào cuộc đấu tranh ấy. Trong tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp, C.Mác viết: “Ở nơi nào mà vấn đề đặt ra là phải cải tạo hoàn toàn chế độ xã hội, thì bản thân quần chúng phải tự mình tham gia vào công cuộc cải tạo ấy, phải tự mình hiểu rõ vì sao mình phải tiến hành đấu tranh, vì sao mình phải đổ máu và hy sinh tính mạng... Nhưng muốn cho quần chúng hiểu rõ là phải làm gì thì cần phải tiến hành một công tác lâu dài và kiên nhẫn”(1), tức là phải tiến hành công tác vận động quần chúng. Trong công tác vận động quần chúng, Ph.Ăngghen căn dặn, phải có phương pháp nêu gương và giúp đỡ, không được dùng phương pháp mệnh lệnh, áp đặt. Phương pháp nêu gương đặc biệt có giá trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng.
Phát triển lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen về đảng cộng sản, V.I.Lênin rất quan tâm đến vấn đề tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng. Theo V.I.Lênin, muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, các đảng cộng sản phải biết tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục, động viên và nêu gương đối với quần chúng nhân dân, đem lại lợi ích thiết thân cho nhân dân lao động “Toàn bộ công tác thường xuyên, hàng ngày, hiện tại của tất cả các tổ chức và tất cả những nhóm của Đảng ta, tức là công tác tuyên truyền, cổ động và tổ chức, đều phải hướng vào việc củng cố và mở rộng mối quan hệ với quần chúng. Công tác ấy khi nào cũng cần thiết, nhưng ở thời kỳ cách mạng thì, hơn lúc nào hết, càng không thể coi là đủ được”(2).
Cùng với tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, V.I.Lênin còn coi trọng các phương pháp tác động mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. “những lý tưởng cao cả nhất cũng không đáng giá một xu nhỏ, chừng nào người ta không biết kết hợp chặt chẽ những lý tưởng đó với lợi ích của chính ngay những người đang tham gia cuộc đấu tranh kinh tế, chừng nào mà người ta không biết kết hợp những lý tưởng đó với những vấn đề “chật hẹp” và nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày của giai cấp ấy, như vấn đề “trả công lao động một cách công bằng”(3).
Trong tác phẩm “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ-xã hội ra sao?” V.I.Lênin chỉ rõ: chỉ khi nào chủ nghĩa xã hội khoa học được truyền bá sâu rộng trong giai cấp công nhân thì lúc đó mới lật đổ được nền chuyên chế, dọn đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, V.I.Lênin rất coi trọng phương pháp thuyết phục, giáo dục và nêu gương đối với quần chúng nhân dân. V.I.Lênin đề ra nhiệm vụ hàng đầu cho các đảng cộng sản là phải “thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(4). Lênin phê phán những đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng không gương mẫu, không dũng cảm hoặc “ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống, để giáo dục quần chúng”(5). V.I.Lênin yêu cầu thực hành phương pháp lấy kinh nghiệm lâu dài, lấy ví dụ thực tế để chứng minh cho quần chúng thấy rõ sự cần thiết của công việc; mở rộng dân chủ, công khai làm cho mọi người dân biết công việc của Đảng, của Nhà nước. “… một nước mạnh là nhờ ở sự giác ngộ của quần chúng. Nước mạnh là khi nào quần chúng biết rõ tất cả mọi cái, quần chúng có thể phán đoán được về mọi cái và đi vào hành động một cách có ý thức”(6).
Tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, V.I.Lênin lắng nghe và tiếp thu những tâm nguyện của quần chúng và yêu cầu Đảng của giai cấp công nhân phải tập hợp, tổng kết những ý kiến của quần chúng làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách. V.I.Lênin cũng đề nghị tìm mọi cách để duy trì, phát triển và mở rộng những hội nghị công nhân và nông dân không đảng, vì thông qua những hội nghị như thế, Đảng có thể: “… nhận xét tâm trạng của quần chúng, gần gũi họ, giải quyết những nhu cầu của họ, giao cho những phần tử tốt nhất trong số họ đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy nhà nước, v.v..”(7). Mặt khác, V.I.Lênin luôn đánh giá cao tinh thần sáng tạo của quần chúng, vai trò của quần chúng trong việc nâng cao năng suất lao động; cho rằng, xây dựng một phong trào quần chúng tự giác tham gia vào sự kiến thiết chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ bằng bàn tay pháp luật mà phải bằng cả sự vận động quần chúng, bằng phương pháp nêu gương tham gia tự giác vào công việc cụ thể chứ không phải chỉ bằng lời nói.
Những luận điểm của học thuyết Mác - Lênin về phương pháp dân vận vẫn còn nguyên giá trị.
----------------------------------------------
Chú thích:
(1) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 22, tr. 775
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 11, tr. 5
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 1, tr. 510-511
(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 36, tr. 208
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 37, tr. 109
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 35, tr. 23
(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 41, tr. 39
Ngọc Cảnh