Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh: Nghị quyết 18-NQ/TW được kỳ vọng tạo ra những đột phá mạnh mẽ, tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trên cơ sở Nghị quyết 18, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/1/2024.
Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Luật Đất đai đã thể chế hóa cơ bản các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu trên. Về tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 dự kiến có 16 văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
“Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện, chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường về xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và và vi phạm trong sử dụng đất công”, TS Nguyễn Văn Quyền khẳng định.
Ở góc độ quản lý, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai; đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 2 chương so với Luật Đất đai năm 2013 (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). Trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, bỏ 30 điều (do gộp 13 điều; bỏ 13 điều và tách 4 điều).
Luật Đất đai năm 2024 đã chuyển các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đặt ngay sau chương quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai và nằm trước các quy định về quản lý hành chính Nhà nước về đất đai. Điều này thể hiện thể hiện sự tôn trọng đối với quyền lợi của người dân, coi nhân dân là gốc rễ, là nền tảng, là trung tâm của chính sách.
Luật mới cũng kế thừa, hoàn thiện các quy định về các nguyên tắc sử dụng đất, bổ sung nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; quy định trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất quản lý; bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất.
“Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 còn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất…”, ông Lê Văn Bình cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Vướng mắc lớn hiện nay khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải xây dựng phương án sử dụng đất và phê duyệt phương án sử dụng đất mà giá trị quyền sử dụng đất phải tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất. Chưa kể, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, kéo dài quá trình cổ phần hóa...
Vì vậy, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất – cơ chế được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa. Để thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước nhanh hơn, hiệu quả hơn, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Nguồn Báo tin tức