Khắc phục tình trạng khi đấu giá xong nhà đầu tư không thực hiện được dự án
Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang bảy tỏ đồng tình với việc Luật Đất đai cần quy định về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện các dự án tương tự, các nguyên tắc chính, như đặt cọc và chế tài phạt đối với tổ chức cá nhân khi không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau cuộc đấu giá nhằm hạn chế việc giá đất tăng cao tại khu vực xung quanh khu vực đấu giá như trường hợp xảy ra tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để khắc phục tình trạng khi đấu giá xong nhà đầu tư không thực hiện được dự án dẫn đến bỏ hoang, bán lại cho nhà đầu tư khác hoặc bỏ cọc thì luật cần quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí trước, trong và sau khi tham gia đấu giá. Ngoài ra, cần có thêm các chế tài đủ mạnh, có hình thức răn đe với các nhà đầu tư vi phạm, ví dụ như cấm thực hiện các dự án trong 1 hoặc 3 năm.
Cũng theo đại biểu Ma Thị Thúy, pháp luật hiện hành không quy định đấu thầu thực hiện các dự án du lịch, dịch vụ và thương mại. Việc quy định cách lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá đối với các dự án hỗn hợp thì dẫn đến không lựa chọn được nhà đầu tư có cả năng lực về tài chính và kinh nghiệm.
Đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án du lịch có thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực về tài chính nhưng hiệu quả sử dụng đất mang lại không cao. Trong khi đó hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu sẽ bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự và có năng lực về tài chính; góp phần thúc đấy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án du lịch được thực hiện thông qua hình thức đấu giá là khó khả thi nếu tuân thủ theo các quy định hiện hành do ngân sách địa phương cũng không có khả năng chi trả để thực hiện giải phóng mặt bằng và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc cho phép thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu đối với các dự án kết hợp giữa nhà ở thương mại/khu đô thị với du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí với dự án du lịch là một trong những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy là hình thành các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng có quy mô lớn tương tự như mô hình của một số quốc gia trên thế giới, như Malaysia, Thái Lan… các nước láng giềng xung quanh chúng ta.
Điều này sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nơi có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng; góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đặc biệt, các dự án trong các Khu Kinh tế hoặc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cần có quy định để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thông qua cơ chế thu hồi đất và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cần có cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư… để du lịch phát triển
Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội nêu vấn đề: Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất được xác định là để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chung của dân cư, bảo đảm an sinh xã hội cho dân cư, không bao gồm các dự án có mục tiêu phát triển du lịch, vui chơi, giải trí hoặc kết hợp nhà ở thương mại với phát triển du lịch, công trình dịch vụ, vui chơi, giải trí.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Chung, giai đoạn từ năm 2015-2019, du lịch phát triển mạnh mẽ, nhiều tỉnh, thành phố xem phát triển du lịch là hướng đi tốt, xác định du lịch là mũi nhọn. Điều này dẫn tới việc dù pháp luật quy định BĐS du lịch không thuộc diện được Nhà nước thu hồi đất nhưng do xác định các dự án du lịch là dự án trọng điểm nhiều tỉnh vẫn thu hồi đất và giao đất cho doanh nghiệp.
Hệ quả là sau giai đoạn 2019, những câu chuyện liên quan pháp lý cho bất động sản du lịch bắt đầu nảy sinh. Khi có yêu cầu rà soát, hàng loạt dự án bị treo do vướng quy định về giao đất và đến bây giờ những dự án đó vẫn đang tiếp tục treo để chờ khung pháp lý mới.
"Luật Đất đai sửa đổi cần có quy định cụ thể về đất du lịch. Đồng thời, có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư…để du lịch phát triển. Khi chúng ta đã xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn, thì các dự án du lịch như khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… phải được bổ sung vào diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội", luật sư Nguyễn Hồng Chung đề xuất.
Trong khi đó, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho, chúng ta phải xem việc thu hồi đất mang lại lợi ích gì và cơ sở nào để thu hồi đất. Phải đưa ra tiêu chí để xác định những dự án thuộc đối tượng thu hồi đất.
GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh đến hai tiêu chí vô cùng quan trọng, một là các dự án đó phải mang lại những tác động cho lợi ích chung, lan tỏa rộng và nằm trong quy hoạch được nhà nước phê duyệt về đất đai và chính quyền chấp nhận cho đầu tư.
Yếu tố thứ hai là dự án thu hồi dù cho mục đích gì phải được đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Nếu đạt cả hai tiêu chí này chúng ta phải đưa đối tượng đó vào diện đất đai thực hiện thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư./.
Theo Tổ quốc