Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, các nước tư bản chủ nghĩa vẫn đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chúng tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua việc hậu thuẫn, tài trợ cho các tổ chức phản động lưu vong, các phần tử chống đối trong và ngoài nước tiến hành xuyên tạc, tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch, tác động tiêu cực đến an ninh tư tưởng của Việt Nam. Do vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là mặt trận quan trọng hàng đầu trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, bởi lẽ đây vừa là nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài, vừa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trong thời đại công nghệ số, sự phát triển của không gian mạng nói chung và các nền tảng mạng xã hội nói riêng đã mang lại những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, các quan điểm cho rằng những giá trị tạo ra trên môi trường mạng là ảo đã không còn phù hợp, mạng xã hội là ảo nhưng những giá trị mà nó tạo ra là thực. Tại Việt Nam, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram… đang sở hữu số lượng người dùng khổng lồ và dần trở thành một nhu cầu thiết yếu, chi phối về mọi mặt của đời sống con người. Với các đặc tính như tính liên kết cộng đồng, tính đa phương tiện và tính tương tác, các nền tảng mạng xã hội có khả năng truyền tải thông tin rộng lớn, tác động và ảnh hưởng đến quan điểm, tư tưởng, nhận thức và hành vi của người dùng. Do đó, đối với công tác tuyên giáo, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội được xem như “con dao hai lưỡi”, vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong công tác tuyên truyền và phản tuyên truyền, tính liên kết cộng đồng của mạng xã hội đã tạo ra một môi trường mở, là công cụ, phương tiện để kết nối những “ngòi bút chiến” với nhau, giữa những người làm công tác tư tưởng với những người dùng có sự tương quan về suy nghĩ, quan điểm và nhận thức. Tính đa phương tiện của các nền tảng mạng xã hội cung cấp những tiện ích với sự tích hợp giữa văn bản, hình ảnh, âm thanh, video,… tạo nên một môi trường sáng tạo nội dung và hình thức phong phú, đa dạng cho các ngòi bút chính luận, phù hợp với thị hiếu của cộng đồng. Tính tương tác của mạng xã hội cho phép người dùng thể hiện quan điểm, suy nghĩ trong quá trình tiếp cận thông tin, phản ánh, đánh giá sự quan tâm của người dùng đối với những vấn đề mang tính thời sự, góp phần tạo sự liên kết cộng đồng rộng rãi và sự lan truyền thông tin nhanh chóng.
Với những đặc trưng đó, mạng xã hội đã tạo ra một hướng đi mới, sáng tạo và hiệu quả trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong thời đại môi trường số hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, không thể phủ nhận sự tác động, ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội đối với nhận thức và hành động của người dùng. Mà hơn hết, việc biết cách tận dụng và khai thác lợi thế của các nền tảng này sẽ góp phần to lớn trong việc định hướng dư luận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc hệ tư tưởng, lý luận của Đảng. Sự phát triển và phổ biến của các nền tảng mạng xã hội kết hợp với những ngòi bút sắc bén, luận chứng đanh thép đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đấu tranh, phản bác các luận điệu xảo trá, xuyên tạc, chống lại những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đó là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp giữ “xây” và “chống”, giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”. Vì vậy, nhằm bảo vệ, phát huy và lan truyền những giá trị cốt lỗi của hệ thống lý luận và tư tưởng của Đảng, thực sự cần thiết khi nhìn nhận mạng xã hội là một mặt trận tác chiến quan trọng, hiệu quả hàng đầu trong công tác tư tưởng.
Song song với những tác động tích cực của mạng xã hội là không ít những khó khăn và thách thức. Bởi lẽ, mạng xã hội là một môi trường mở với khả năng truyền thông ưu việt, các thế lực thù địch và phần tử xấu không ngừng lợi dụng các nền tảng này để tấn công trực diện vào hệ thống lý luận và tư tưởng của Đảng, âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, phá hoại từ bên trong, thúc đẩy sự hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” nhằm tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đối tượng triệt để khai thác khả năng truyền thông của các nền tảng mạng xã hội, kết hợp với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm mục đích tấn công, phá hoại những giá trị bền vững của hệ tư tưởng, gây nên tâm lý hoang mang, hoài nghi trong quần chúng nhân dân, sự dao động về bản lĩnh chính trị trong cán bộ, đảng viên. Trong đó, có thể kể đến như:
Một là, đăng tải những bài viết nhằm mục đích chống Đảng, Nhà nước nhưng không trực tiếp nêu ra những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái mà đăng bài với mục đích ám thị, làm cho người đọc hoang mang, tự suy diễn theo hướng tiêu cực. Đăng tải các bài viết chính thống, trích dẫn câu nói của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng lại chỉnh sửa một số nội dung và hình thức, làm sai lệch bản chất vấn đề.
Hai là, câu kết, móc nối, lợi dụng những người có uy tín, vị thế xã hội, ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân để đăng tải những bài viết thể hiện sự bất đồng quan điểm, sự hoài nghi trước những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm định hướng dư luận tiêu cực.
Ba là, đăng tải các bài viết mang tính chất so sánh phiến diện, khập khiểng nhằm hạ thấp giá trị hệ tư tưởng của Đảng cùng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Điển hình như: Đề cao những giá trị của chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng lại khoét sâu vào những tồn tại, bất cập trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại nước ta; ca ngợi thành tựu phát triển của các nước tư bản phương tây nhưng phủ nhận những thành quả của công cuộc đổi mới tại Việt Nam,…
Qua đó cho thấy, các nền tảng mạng xã hội thực sự là một môi trường lý tưởng để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng chống Đảng, Nhà nước, phá hoại hệ tư tưởng, tác động chuyển hóa thể chế chính trị. Do đó, không nên xem nhẹ công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, mà cần xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài, đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Trong thời gian tới, nhằm phát huy vai trò của các nền tảng mạng xã hội trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từng bước đẩy lùi, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để chống phá trên trận địa tư tưởng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Muốn đạt được sự thắng lợi cần phải đặt dưới lãnh đạo trực tiếp, sự chỉ huy thống nhất, toàn diện về mọi mặt của các cấp ủy Đảng. Bởi lẽ, đường lối, chủ trương, phương hướng chiến lược của Đảng là sự thống nhất giữa ý chí và hành động, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt quyết định sự thành công trong cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng.
Các cấp ủy đảng cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết nhận diện, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Xây dựng phương hướng, nội dung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, sát hợp với thực tế nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện mơ hồ, ngộ nhận, mất cảnh giác trước những thông tin sai trái, độc hại trên mạng xã hội.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. So với các phương tiện thông tin đại chúng khác, mạng xã hội có những ưu thế vượt bậc trong khả năng truyền thông, tác động sâu sắc đến nhận thức và tư duy của người dùng. Do đó, cần tránh tư tưởng chủ quan, xem nhẹ vai trò của các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền và phản tuyên truyền. Đối với lực lượng làm công tác tuyên giáo, cần xem mạng xã hội như một phương pháp sánh ngang với báo chí, truyền hình trong công tác tư tưởng; khai thác và phát huy các ưu thế vượt bậc của mạng xã hội phục vụ công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tránh các suy nghĩ, quan điểm tiêu cực đối với môi trường ảo nói chung và mạng xã hội nói riêng.
Đối với người dùng mạng xã hội, đặc biệt là tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận thức chính trị trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, tiếp thu một cách có chọn lọc đối với những giá trị tạo ra trên môi trường mạng. Nâng tầm nhận thức, tư duy phân tích, phản biện trước các luồng thông tin trái chiều, luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của thế lực thù địch, góp phần phát huy sức mạnh của toàn dân chung tay với cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ ba, xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ sắc bén, kết hợp khả năng truyền thông của các nền tảng mạng xã hội phục vụ công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thường xuyên nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm rõ những nguyên lý cơ bản trong quá trình vận động và phát triển, hiểu rõ giá trị thời đại, ý nghĩa lịch sử và thực tiễn đối với cách mạng Việt Nam. Tích cực trao dồi kiến thức trên đa dạng các lĩnh vực, trong đó chú trọng cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề nóng, nhạy cảm dễ bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc,... Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống luận cứ chặt chẽ, bài viết chuyên sâu, lý lẽ khoa học sắc bén làm cơ sở, nền tảng để phản biện, bẻ gãy luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, kết hợp khai thác những tiện ích của mạng xã hội để giành ưu thế trên mặt trận truyền thông.
Thứ tư, tăng cường xử lý các hành vi lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý để đấu tranh với các hành vi lợi dụng không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng nhằm tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực Internet, bưu chính, viễn thông, rà soát, loại bỏ các trang thông tin xấu độc, đồi trụy, xuyên tạc, phá hoại an ninh tư tưởng.
Thứ năm, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các lực lượng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Hiện nay, đa số các lực lượng làm công tác tuyên giáo, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp đều có xây dựng các tài khoản mạng xã hội, các trang thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền và phản tuyên truyền. Để nâng cao hiệu quả truyền thông, cần tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tạo tính liên kết giữa các tài khoản mạng xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất nội dung, hình thức trước khi đăng tải, chia sẻ bài viết nhằm tạo hiệu ứng truyền thông rộng lớn, tăng cường định hướng dư luận xã hội, tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của người dùng.
Thứ sáu, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội phải kiên trì, chủ động, sáng tạo. Cần tránh tư tưởng nóng vội, có lúc đấu tranh dồn dập, nhưng có lúc lại ngắt quảng, bỏ nhỏ, làm giảm hiệu quả, mất tính liên kết, thống nhất trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật tình hình trong nước và quốc tế, nhất là những vấn đề mang tính thời sự, nhạy cảm; kịp thời phát hiện những vấn đề phức tạp mới phát sinh, chủ động tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù ngay từ khi còn nhen nhóm. Thường xuyên đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội phù hợp với thị hiếu cộng đồng. Chú trọng xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ đấu tranh đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, chính xác, đủ sức thuyết phục để bẻ gãy luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Mạng xã hội đã tạo ra những thời cơ và thách thức mới trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong giai đoạn hiện nay, cần nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ về những khả năng của mạng xã hội, kết hợp với các phương pháp đấu tranh truyền thống, tạo ra “sức mạnh cộng hưởng” với sự lan tỏa rộng lớn cùng ưu thế truyền thông trên mặt trận tư tưởng, góp phần đẩy lùi, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thành Nhân