Thực tế, trong thời đại ngày nay, khi mà cả thế giới kết nối với nhau trong một cái click chuột, một cái enter của bàn phím, khi mà mọi thông tin dễ dàng được công khai trên mạng xã hội, người ta gọi đó là “thế giới phẳng”, “thế giới nhanh”. Cái yếu tố “phẳng” và “nhanh” đó một mặt đem đến những sự tiện lợi cho con người rất nhiều nhưng mặt khác nó cũng để lại không ít những hệ lụy, hậu quả, nếu con người không tỉnh táo, thận trọng sẽ rất dễ bị cuốn hút, dễ bị sa ngã theo cái yếu tố “phẳng” “nhanh” đó. Như chúng ta biết, mạng xã hội có sức mạnh rất lớn, nó ăn sâu trong đời sống của con người, ở mọi đối tượng, tầng lớp, vùng miền, đặc biệt là đối với giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Dưới sự phát triển liên tục của công nghệ, sự phát triển của đời sống xã hội thì không khó khăn gì để mỗi người có thể sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh (smart phone) và việc kết nối với các mạng xã hội là vô cùng dễ dàng. Nhìn từ góc độ văn hóa xã hội, mạng xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, mạng xã hội có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo, trong đó bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người. Một số cộng đồng như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram, Twitter… thu hút một số lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Chúng ta nhận thấy rất hiện hữu lợi ích, đóng góp to lớn của mạng xã hội như: Mạng xã hội ngày càng góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ; Mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người; Mạng xã hội góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam,…
Trong bốn yếu tố tích cực nói trên của mạng xã hội, yếu tố thứ ba, mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng liên quan đến một nội dung mà trong chỉ đạo của Đảng ta về công tác văn hóa là chú ý đến bản sắc dân tộc, về nhân cách, lối sống, về văn hóa cộng đồng. Quả thật, văn hóa mạng xã hội là một bộ phận của văn hóa cộng đồng và có ảnh hưởng ngày càng lớn đến văn hóa cộng đồng. Nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mạng xã hội cho phép người dùng có thể kết nối, tương tác với bạn bè, gia đình, cộng đồng ngày một thuận tiện hơn. Người dùng có thể dễ dàng chia sẻ tình cảm, niềm vui, nỗi buồn… với cộng đồng. Sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng cũng được thúc đẩy.
Thực tế từ khi mạng xã hội phát triển, việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện sinh động hơn. Công tác xã hội như cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh,… có nhiều khởi sắc. Nội lực của cộng đồng được phát huy hiệu quả hơn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Các hình thức kinh doanh online trên mạng xã hội của cá nhân và doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang tính chuyên nghiệp. Hàng ngày, chúng ta thấy có những sự việc rất nóng hổi, rất thời sự, hay những bức xúc chính đáng của người dân, trước đây khi mạng xã hội chưa phát triển chỉ trông chờ vào báo in, tivi, radio nhưng từ khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ thì những sự việc đó trong tích tắc đã được công khai cho mọi người được biết, cho nên đúng, sai như thế nào đã rất rõ ràng. Và, đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng chỉ đạo giải quyết, cũng như vào cuộc điều tra, xử lí công khai, minh bạch, công bằng, chính xác đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, cho Đảng, Nhà nước,…
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, những tác động tiêu cực của mạng xã hội cũng đáng quan tâm và cần tìm giải pháp phòng chống, khắc phục. Trong rất nhiều những tác động tiêu cực thì mạng xã hội tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa là không hề nhỏ. Trước hết, từ thực tế tác động, ảnh hưởng có thể thấy, mạng xã hội phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mạng xã hội phát triển thì dòng chảy của những cuộc bá quyền, xâm lăng văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là số người trẻ. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống, các giá trị phương Tây, như tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, tin giả, tin giật gân câu “like” trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên mạng xã hội thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử. Chẳng hạn như, gần đây nhất là vụ bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream trên mạng xã hội với những phát ngôn thiếu chuẩn mực, xúc phạm người khác, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam nhưng lại gây sự quan tâm chú ý của rất nhiều người trên cả nước. Liên quan đến sự tác động, ảnh hướng đến thế hệ trẻ thì điều đáng quan tâm lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: Phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ.
Vậy chúng ta cần làm gì để phòng, chống, hạn chế cũng như khắc phục những tác động tiêu cực nói trên của mạng xã hội đối với giới trẻ?
Trước hết, từ phía trung ương, Đảng, Nhà nước tăng cường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet nói chung, mạng xã hội nói riêng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi cung cấp và sử dụng mạng xã hội. Chỉ khi nào nhận thức được thay đổi thì khi ấy mới thay đổi về tình cảm, chỉ khi nào tình cảm con người thay đổi thì mới mong thay đổi về hành động. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cần tập trung chú ý đến việc trang bị, cao nhận thức cho giới trẻ khi họ bước vào thế giới của internet, thế giới của những trang mạng xã hội đang ngày một phát triển mạnh mẽ không ngừng.
Tiếp đến là nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội. Tập trung hoàn thiện, thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và gần đây nhất là Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Truyền thông và Thông tin ban hành Ngày 17/6/2021 theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT, trên cơ sở của văn bản quy phạm pháp luật để quản lý cũng như chế tài xử lý những sai phạm nhằm răn đe, giáo dục, hướng đến giảm đến mức tối đa những trường hợp vi phạm trên các trang mạng xã hội, trên lĩnh vực truyền thông thông tin. Tăng cường xây dựng các giải pháp kỹ thuật mang tính chủ động, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên cơ sở các dự báo khoa học về sự phát triển của mạng xã hội và phương châm khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội.
Chính quyền địa phương, đơn vị, cơ quan, đoàn thể, nhà trường, gia đình cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh thiếu niên nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội. Cần có giáo dục, hướng dẫn để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nhận thức được những yếu tố tích cực, những yếu tố tiêu cực từ mạng xã hội, sự nhận diện những dấu hiệu của yếu tố tích cực, yếu tố tiêu cực từ các trang mạng xã hội để họ sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, phù hợp, lành mạnh, tích cực, hiệu quả.
Hướng dẫn, tư vấn cho các bạn trẻ những kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội. Chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình,…cần tuyên truyền, giáo dục để các bạn trẻ nhận thức được những hậu quả, hệ lụy khi tham gia mạng xã hội một cách không lành mạnh, tiêu cực. Cần giúp để họ thấy được đứng trước những thông tin vô cùng phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn như vậy thì phải phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là cần tích cực ủng hộ, chia sẻ, đây là cần tránh xa, cần đấu tranh loại bỏ,…Nói chung, phải giúp họ trang bị những kiến thức, hiểu biết về tính hai mặt của mạng xã hội, trang bị những kĩ năng sử dụng để họ có thể miễn nhiễm trước những tấn công một cách ồ ạt của nguồn thông tin mà mạng xã hội mang lại.
Một giải pháp cũng khá cấp thiết là cần phát huy tốt vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh nội bộ, kết hợp đẩy mạnh hoạt động của các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng,… thông qua đó, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị, nhà trường,…Trên cơ sở đó để giáo dục, định hướng chính trị, tạo niềm tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chống lại các loại sản phẩm văn hóa xấu. độc hại, âm mưu “xâm lăng văn hóa”, tư tưởng “áp đặt lối sống, văn hóa phương Tây”, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tình cảm tốt đẹp, tâm hồn trong sáng vốn có của thanh thiếu niên hiện nay.
Đẩy mạnh và đồng bộ công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lí đối với các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền các loại văn hóa phẩm không lành mạnh, các trang web đen, đồi trụy, các trang mạng phản động lợi dụng quyền tự do dân chủ để kích động, lôi kéo thanh thiếu niên tham gia vào các hoạt động tiêu cực, không lành mạnh, trái với tuần phong mỹ tục, đạo lí của dân tộc, trái với chuẩn mực đạo đức của xã hội, thậm chí, vi phạm pháp luật. Những hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng cần có sự phối chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, nhà trường, gia đình để phòng ngừa, nhắc nhở, răn đe trước, xử lí sau chứ không phải chờ đến khi vi phạm gây ra hậu quả mới áp dụng biện pháp, chế tài xử lí. Có như vậy mới mong giáo dục, định hướng được thanh thiếu niên nhận thức, hành động, ứng xử một cách cách lành mạnh, tích cực trước các trang mạng xã hội đang phát triển chóng mặt.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó” và trong thư Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, tháng 1/1946, Người khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội". Lời dạy của Bác đến nay và có lẽ mãi mãi mai sau vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vậy, chúng ta được sống trong đất nước hòa bình với nhiều thuận lợi nhưng cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, nhất là trước sự “phẳng” và “nhanh” của internet, của truyền thông, của mạng xã hội đang tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đến mọi tầng lớp xã hội, nhất là các bạn trẻ thì việc định hướng, giáo dục cũng như phòng ngừa trước những tác động không lành mạnh, tiêu cực đến thế hệ trẻ là điều vô cùng cấp thiết. Nó đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể, của mỗi gia đình, nhưng trước hết là nhận thức và hành động của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng./.
ĐPH