Trong những ngày “nóng” chuyện tắc đường, kẹt xe ấy, đoàn công tác Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến “xuyên Việt” để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ của các công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định quan điểm phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng được đề ra trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII.
Hoạt động mở đầu năm mới của người đứng đầu Chính phủ được kỳ vọng thúc đẩy hoàn thiện mạng lưới đường bộ, cao tốc, sân bay, cảng biển, bảo đảm kết nối trong nước và quốc tế, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, dư luận đặc biệt chú ý thông điệp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra khi kiểm tra hiện trường thi công dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành: “Các bộ, ngành, đơn vị bàn rõ việc, rõ trách nhiệm. Ai làm được thì quyết tâm, ra sức thực hiện. Ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm!”.
Thủ tướng không thể không “sốt ruột” khi tiến độ triển khai các dự án quá chậm so với kế hoạch. “Đến nơi làm việc của Ban Quản lý dự án cũng chưa có thì liệu 4 năm nữa dự án có hoàn thành được không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Tại các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam có tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường. “Một nhà thầu thi công 3km, 4km mà làm trong 2 năm, 3 năm, tức là nhà thầu không đủ năng lực”, Thủ tướng chỉ rõ.
Những năm qua, BR-VT đã triển khai nhiều dự án làm mới, cải tạo, nâng cấp những tuyến đường giao thông huyết mạch. Hàng loạt dự án giao thông nội tỉnh, kết nối nội vùng được xây dựng, tạo tiền đề thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đáng chú ý trong số đó là dự án đường kết nối nội vùng vào cảng Cái Mép - Thị Vải, dự án đường Long Sơn - Cái Mép, dự án đường 991B, Tỉnh lộ 44B, đường 997 kết nối từ đường ven biển (Lộc An) theo hướng Bắc - Nam với huyện Cẩm Mỹ (Ðồng Nai).
BR-VT cũng tích cực phối hợp triển khai các dự án giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng nhằm phát huy và khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó có 3 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và đường vành đai 4. Ðây là các dự án được kỳ vọng sẽ giảm tải cho QL51, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Long Thành về TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác, tạo hành lang thông thoáng cho vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa liên vùng, góp phần thay đổi diện mạo giao thông BR-VT và khu vực. Tuy vậy, cũng có những dự án trong quá trình triển khai bị vướng mắc. “Điểm nghẽn” chính là đầu tư không đồng bộ, thiếu tính liên kết toàn vùng dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án và chi phí phát sinh cao.
“Ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm!”. Phát “pháo lệnh” đầu năm của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang ý nghĩa thúc giục các địa phương nhập cuộc quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một thực thể năng động, hoạt động hiệu quả. Mệnh lệnh phát triển đòi hỏi các địa phương xây dựng và vận hành tốt nhất các kịch bản phục hồi và phát triển, trong đó có việc xác định rõ chương trình hành động, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tiến độ thi công chậm các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, dẹp bỏ thói quen rề rà, mạnh ai nấy làm, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi liên kết vùng.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông không còn là giải pháp lựa chọn mà đã trở thành mệnh lệnh phát triển. Tập trung nguồn lực tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông khu vực miền Đông Nam Bộ và cả nước mới đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân và yêu cầu phát triển của đất nước.