Khi bàn về mô hình chính trị, Tổng Bí thư khẳng định bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa, coi dân chủ “vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, yếu tố cơ bản đầu tiên của mô hình chính trị Việt Nam là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, nền dân chủ đó mang bản chất chính trị, quy định những yếu tố cấu thành của mô hình chính trị và là “một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”. Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ấy, để Nhân dân thực sự làm chủ, để phát huy dân chủ, Tổng Bí thư khẳng định quan điểm của Đảng ta là “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra bao gồm nhiều nội dung, cụ thể như sau:
Một là, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân.
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Ba là, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì dân; mọi quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc pháp quyền. Một nhà nước đủ năng lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực.
Bốn là, mọi cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến cơ sở do Nhân dân bầu ra bằng các cuộc bầu cử dân chủ, đại điện cho quyền lực của Nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương thông qua chức năng lập hiến, lập pháp, ra quyết định; thực hiện giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Năm là, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Sáu là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò nòng cốt chính trị cho sự làm chủ của Nhân dân; củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân; động viên Nhân dân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mở rộng quan hệ hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Bảy là, trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.
Tám là, các phương thức thực thi dân chủ cơ bản gồm: Thông qua Nhà nước pháp quyền, thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt chính trị để Nhân dân làm chủ.
Chín là, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng và của hệ thống chính trị.
Mười là, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước17.
Mười một là, Nhân dân Việt Nam thực hiện quyền dân chủ của mình trên tất cả mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.
Có thể nói rằng, đặc trưng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chế độ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo../.
PXS