Mặc dù vẫn còn nhiều góc nhìn trái chiều, thế nhưng nhiều ý kiến phân tích cho rằng các doanh nghiệp viễn thông đang tỏ ra có ưu thế và thuận tiện hơn so với doanh nghiệp tài chính trong cuộc đua đẩy mạnh thanh toán không sử dụng tiền mặt ở những khu vực vùng sâu vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng (nơi nhiều người dân không có tài khoản ngân hàng). Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đang thể hiện năng lực trong việc phủ sóng dịch vụ đến nhóm khách hàng không có điều kiện để sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh, bởi họ vốn chỉ có thể sử dụng các dòng điện thoại phổ thông, hay còn được gọi là điện thoại “cục gạch”.
Với dịch vụ Mobile Money được các mạng viễn thông cung cấp, người tiêu dùng có thể thực hiện việc thanh toán bằng chiếc điện thoại di động truyền thống, và họ cũng không cần thiết phải có tài khoản ngân hàng hay ví điện tử. Ảnh: Internet
Ba doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money
Ngày 1-12, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã cho ra mắt hệ sinh thái tài chính số Viettel Money tới toàn bộ khách hàng đang sử dụng mạng di động Viettel. Trước đó khoảng một tuần, ngày 25-11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (Mobile Money) trên phạm vi toàn quốc. Một nhà mạng khác là MobiFone cũng cho biết họ được Ngân hàng Nhà nước đồng ý việc cung cấp dịch vụ thí điểm, nhưng chưa khai trương dịch vụ.
Dịch vụ Mobile Money do 3 nhà mạng kể trên cung cấp được kỳ vọng sẽ giúp hơn 100 triệu khách hàng của các “ông lớn” viễn thông này có thể sử dụng thuê bao di động của mình như một tài khoản ngân hàng, với đầy đủ các chức năng: nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ… Mục tiêu hướng đến là thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… vốn là những khu vực mà cư dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống.
Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trước Việt Nam, thế giới đã có hơn 95 quốc gia sử dụng Mobile Money. Hiện tại, khung pháp lý cho Mobile Money tại Việt Nam cũng đã hình thành và tạo điều kiện để dịch vụ này đi vào cuộc sống.
Việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tiền di động được Bộ Thông tin và Truyền thông xem là một nỗ lực để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là tại khu vực nông thôn. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Những tín hiệu khởi sắc ban đầu
Tại cuộc hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” diễn ra hôm nay (1-12) tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ cơ quan này đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Các mô hình có thể kể đến là ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, trên thực tế, để người nông dân bỏ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt thì không phải dễ dàng.
Theo ông Dũng, nhằm khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân không cần phải đến điểm giao dịch ngân hàng.
Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp phép thí điểm cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Phạm Tiến Nam, cho biết mặc dù khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến trong việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian gần đây. Song có một số nguyên nhân khiến việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn.
“Hiện nay, điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn”, ông Nam cho biết.
Ngoài ra, một số người dân có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tác động tới hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Do vậy, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, theo ông Nam cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này.
Ông Phạm Tiến Dũng của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết để mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, cơ quan này đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.
Giới chuyên gia tài chính kỳ vọng với sự tham gia của các nhà mạng trong việc cung cấp dịch vụ Mobile Money, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn sẽ khởi sắc. Thậm chí, đã có những tham vọng được chia sẻ rằng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn sẽ có tính phổ cập phổ cập không khác gì dịch vụ điện thoại di động./.
Theo The SaiGonTimes