TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc này nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 124 của Thành uỷ TP.HCM về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Đây được xem là giải pháp để phát huy tính sáng tạo, đột phá của mỗi cán bộ, góp phần vào sự phát triển của thành phố.
Phá rào, sáng tạo vì sự sống của nhân dân
TP.HCM, từng là tâm dịch COVID-19. Dịch tàn phá nặng nề cũng bởi, không có sự chuẩn bị, thiếu thuốc, thiếu vaccine, thiếu kiến thức chống lại virus SARS-CoV-2… Trong bối cảnh đó, ngoài sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Thành phố cũng tiên phong trong áp dụng đông tây y kết hợp, chủ động đưa thuốc xuống cho người dân dù chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế, chủ động tìm kiếm oxy, nâng cấp y tế cơ sở… Tiêu biểu như Quận 7 khi mạnh dạn “phá rào”, có những mô hình, cách làm sáng tạo để hạn chế số ca tử vong, chữa trị cho người mắc COVID-19…Nhờ cách làm chủ động, phù hợp với thực tiễn đã giúp Quận 7 là một trong những địa phương đầu tiên trở thành vùng xanh.
Ông Trần Chí Dũng, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Quận 7 nói: "Trong đợt dịch vừa rồi, chúng ta thấy trong lúc mà người dân đang đối mặt với sự sống và cái chết, khó khăn như thế mà nếu chờ đợi để thực hiện theo quy trình thì sẽ rất khó khăn. Bởi vì có những vấn đề không cho phép chúng ta về thời gian".
Với ngành y tế TP.HCM, trong bối cảnh dịch bệnh, đối mặt với sự quá tải của y tế cơ sở, ngành đã táo bạo thực hiện giải pháp đưa bác sỹ mới ra trường về trạm y tế. Qua thực tiễn cho thấy, đội ngũ bác sỹ trẻ có đủ khả năng và hoạt động rất hiệu quả. Để đưa bác sỹ mới ra trường về cơ sở, Sở Y tế đã vận dụng linh hoạt các quy định vừa giúp bác sỹ trẻ nâng cao tay nghề, tiếp cận nhanh hơn với công việc, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân.
"Các bác sỹ thực hành bước đầu đã hội nhập và chia sẻ gánh nặng công việc của các trạm y tế. Nếu giờ xuống các trạm mà nói rút các bác sỹ trẻ này về thì không có trưởng trạm nào đồng ý đâu. Và chính các bác sỹ trẻ đã cảm nhận, trưởng thành hơn khi tham gia chương trình" - Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho hay.
Cán bộ cũng phải biết tạo vaccine phòng bị
Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, trong những thời khắc khó khăn nhất, TP.HCM luôn bình tĩnh ứng phó và thực tế chống dịch COVID-19 đã thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên, thực tế là dù chúng ta có khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm thì phải thể chế hoá các quy định bằng pháp luật để có căn cứ bảo vệ cán bộ. Do đó, việc TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung với những quy định cụ thể là rất cần thiết.
Mới đây, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP sẽ mạnh dạn đề xuất với Trung ương "đăng cai" thí điểm những vấn đề mới, để rút kinh nghiệm, thực hiện chung cho cả nước. Chắc chắn khi đó, những quy định cụ thể rõ ràng để cán bộ an tâm công tác, sáng tạo, cống hiến lại càng quan trọng. Theo ông Nên, hiện nay trong đội ngũ có ba thành phần cán bộ. Một là dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh cái sai, dám chịu trách nhiệm. Thành phần thứ hai là tới đâu hay tới đó, bình bình và thành phần thứ ba là toàn nghĩ lợi ích của mình chứ không nghĩ tới cái chung…Do đó, việc khuyến khích này nhằm để bảo vệ nhóm đầu tiên an tâm cống hiến bởi “lằn ranh giữa đổi mới sáng tạo và cố ý làm trái là rất mỏng manh.
"Khuyến khích và bảo vệ ở đây muốn nói về nhóm luôn luôn trăn trở với cuộc đời rồi tìm cách để đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nhưng gặp khó khăn. Nếu chỉ có khuyến khích không mà không bảo vệ thì sẽ khó khăn và có một bộ phận cũng bắt đầu lo lắng, không biết phải làm gì, nóng lòng với công việc, tập trung dồn sức để làm nhưng không khéo thì rơi vào tình huống là làm không đúng quy định, làm trái" - Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhấn mạnh.
heo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM, khuyến khích và bảo vệ cán bộ của mình là đúng. Nhưng căn cơ nhất vẫn là tự mỗi cán bộ phải xác định lý tưởng, con đường đi của bản thân và kiên trì theo đuổi. Tuy nhiên, mỗi cán bộ phải biết tự bảo vệ mình, phải tạo cho mình một loại vaccine trước những cám dỗ, sai trái.
"Có hai mặt, một mặt cán bộ phải luôn luôn tự rèn luyện. Nếu lòng mình trong sáng vì đất nước, vì nhân dân thì trước hết mình đâu có cần ai bảo vệ, mình phải tự vệ, tức là mình không va vào những sai lầm, hư hỏng, mình phải xác định vậy. Và lãnh đạo tổ chức phải quản lý cho tốt, ngăn ngừa khuyết điểm từ gốc, không để đến mức khi phát hiện ra thì không cứu chữa được", ông Phạm Chánh Trực nêu quan điểm.
Thực tế phát triển của đất nước, của TP luôn đặt ra nhiều vấn đề phải làm, phải đổi mới. Có nhiều quy định đến lúc sẽ không còn phù hợp, cần phải đổi mới, có nhiều tình huống bất ngờ cần phải đưa ra quyết định. Do đó, để phát triển rất cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Và khi sáng tạo với động cơ trong sáng, lại có cơ chế bảo vệ, chắc chắn đội ngũ cán bộ sẽ an tâm cống hiến./.
Hà Khánh/VOV-TP.HCM