1. Trong hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Nhân dân luôn giữ ví trí quan trọng và có vai trò to lớn, là cội nguồn sức mạnh và động lực để bảo vệ độc lập, tự chủ, “ý dân”, “lòng dân”, “khoan thư sức dân” là điều hệ trọng bậc nhất trong các hoạt động chính trị. Ngay từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản việt Nam đã kế thừa các giá trị tốt đẹp đó của dân tộc và nâng cao lên một trình độ mới, kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao mối quan hệ gắn bó “máu thịt”, thống nhất, bền chặt và không thể tách rời giữa Nhân dân với Đảng, với Chính phủ.
Nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự khẳng định dân là chủ, là gốc và dân làm chủ. “Dân là chủ”, “dân làm gốc” nghĩa là các công việc của Đảng, của Chính phủ phải xuất phát từ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, làm người “công bộc” chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, nhằm vào mục đích duy nhất là “mưu tự do hạnh phúc cho mọi người”, việc gì có lợi cho dân thì nên làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh. Theo Người, Đảng, Chính phủ không chỉ lo tính việc lớn như phát triển kinh tế, xã hội xây dựng nền văn hóa tiên tiến mà còn phải quan tâm đến những việc nhỏ hàng ngày “như tương cà mắm muối” của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.
Quan điểm “Đảng ta vĩ đại vì nó gần gụi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độ nhất vô nhị, mang sắc thái, diện mạo, cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh. Đảng là lực lượng lãnh đạo nhưng Đảng đứng trong Nhân dân chứ không đứng trên Nhân dân; Nhân dân là chủ thì Chính phủ và Đảng đều là công bộc của dân với một ý nghĩa chân chính nhất, đẹp đẽ nhất, vinh dự lớn nhất của cán bộ là được phục vụ Nhân dân. Người phê phán quan niệm của một số cán bộ, đảng viên nhận thức rằng mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, Chính phủ mà không thấy rằng “lãnh đạo là làm đầ tớ nhân dân và phải làm cho tốt”.
Theo Hồ Chí Minh, với tư cách là chủ thể của đất nước, quyền làm chủ của Nhân dân cần phải được phát huy rộng rãi trên các phương diện: quyền, bổn phận và gốc, nền tảng. Người chỉ rõ dân chủ là để dân giám nói, dám làm, có quyền làm, có quyền nói; là dựa vào lực lượng của quần chúng, đi đúng đường lối của quần chúng, “đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”, “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”. Theo Hồ Chí Minh, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ đều do dân cử ra, Đoàn thể (Đảng) từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy một trong những nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt là “theo đúng đường lối nhân dân”, cụ thể hóa bằng 6 điều: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính để nhân dân noi theo.
2. Một trong những thành công lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới chính là cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” với nội hàm ngày càng hoàn thiện. Có thể nói, sau 35 năm đổi mới, Đảng ta trở lại giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân, Đảng và Chính phủ.
Tại Đại hội XIII, Đảng đã rút ra bài học lý giải mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đặc biệt là khẳng định “dân là gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều đó khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là người thực hiện vừa là người thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, lấy kết quả công việc sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ, đảng viên cũng như kết quả thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những bài học về mối quan hệ Đảng-Nhà nước-Nhân dân mà Đảng ta nêu lên tại Đại hội XIII của Đảng là hết sức sâu sắc, một lần nữa khẳng định sự trường tồn, giá trị vĩnh hằng của tư tưởng Hồ Chí Minh – tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc Việt Nam. Trung thành, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, chắc chắn chúng ta sẽ hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh./.
B.Đ.P