Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh vào chương trình kỳ họp chuyên đề cuối năm nay.
-Ông đánh giá như thế nào về việc đưa Dự án Luật này vào chương trình họp chuyên đề cuối năm?
Thứ nhất, sự vận động của kinh tế, xã hội biến chuyển rất nhanh chóng, cho nên luật, nghị định, thông tư đôi lúc không theo kịp được với cuộc sống. Còn cuộc sống lại không thể "ngồi chờ".
Thứ hai, qua kinh nghiệm theo dõi tôi nhận thấy nhiều luật đi vào cuộc sống chưa nhiều, khi có nghị định hướng dẫn thường bị chậm và đôi khi “lạc hậu” so với thực tế. Do đó, các luật, nghị định cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thứ ba, tôi được biết tư duy mới của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH khóa XV là nắm bắt nhanh cuộc sống, ra các nghị quyết kịp thời, thậm chí giao quyền cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề nóng bỏng của xã hội như đợt dịch vừa qua.
Mục tiêu đó đã thôi thúc Quốc hội làm việc một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và sớm trước thời hạn. Điều này luôn được cử tri và nhân dân mong đợi. Họ kỳ vọng vào những nghị quyết, văn bản của Quốc hội hay các chính sách của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, sớm có hiệu quả, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Việc ban hành một luật sửa 10 luật nhằm hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kép. Ảnh minh họa: Internet
Doanh nghiệp đang kiệt quệ, muốn khôi phục lại sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thị trường nội địa, khôi phục lại đời sống của nhân dân bớt khó khăn hơn. Đồng thời bắt nhịp nhanh với xu thế hội nhập quốc tế, thích ứng với những khó khăn, thuận lợi của địa chính trị nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, phức tạp và khó lường. Đơn cử, như giá cả, lạm phát, chuỗi cung ứng, liên kết, bảo vệ môi trường...
Quốc hội khóa này rất nhanh nhạy giải quyết các vấn đề nóng bỏng của người dân và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, với khẩu hiệu “tất cả vì người dân, vì doanh nghiệp”.
- Việc ban hành một luật sửa 10 luật nhằm hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kép. Vậy, theo ông, việc sửa đổi, bổ sung này liệu sẽ “đòn bẩy” kiến tạo phát triển cũng như đáp ứng được từ những yêu cầu trong thực tiễn đặt hay không, thưa ông?
Luật làm ra và có thể cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn là rất đúng. Nhưng từ lúc có luật đến khi tổ chức triển khai ra nghị định và đi vào thực hiện vẫn còn là một khoảng cách. Hiện nay người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề tổ chức thực hiện luật, nghị định, thông tư của các bộ hay Chính phủ.
Theo tôi được biết, quan điểm của Quốc hội khóa XV, điều khoản nào ở trong luật có thể làm rõ được để áp dụng vào cuộc sống thì cũng đưa vào luật, không phải chờ nghị định hướng dẫn.
Tôi đánh giá đây là sự đổi mới rất mạnh mẽ của Quốc hội khóa này. Tôi hy vọng, sớm rút ngắn khoảng cách giữa luật và thực thi luật, nếu không luật chưa kịp ban hành thì đã “lạc hậu”. Điều quan trọng khi sửa luật cần phải có những tổ chuyên gia am hiểu từng luật một cách sâu sắc để tư vấn cho Quốc hội.
-Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế cũng như suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn là nhận định được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ khi báo cáo tình hình kinh tế, xã hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV vừa qua. Trong bối cảnh đó, cả đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về sự cần thiết phải có gói chính sách tài khóa, tiền tệ đủ lớn để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
Có nhiều ý kiến của ĐBQH và chuyên gia cho rằng, gói kích thích kinh tế vừa qua là tốt nhưng chưa đủ và yêu cầu phải có gói kích thích kinh tế lớn hơn. Vừa qua chúng ta có gói khoảng 10 tỷ USD, khoảng 2,8% GDP như vậy còn quá ít so với những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp.
Cho nên, theo tôi tới đây chúng ta cần có thêm gói hỗ trợ lớn hơn và mạnh hơn. Có những chuyên gia đề nghị cần có gói khoảng 80.000 tỷ đồng, khoảng 4 tỷ USD, có thể nhiều hoặc thấp hơn do Quốc hội quyết định, nhưng “hàm ý” ở đây là cần “nặng đồng cân” hơn.
Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là thời gian tới sẽ có thể có thêm tiền nhưng số tiền này phải được chi đúng địa chỉ, nhanh nhạy, rõ ràng, minh bạch, không bị lợi dụng và phải đi đến đúng đích cần được hỗ trợ.
Vừa qua cũng có ý kiến về việc khó tiếp cận các gói hỗ trợ. Ví dụ, yêu cầu doanh nghiệp phải có hơn 49% công nhân nghỉ việc mới được hỗ trợ, vậy 48% thì sao? Đây là những số liệu đưa ra đã “làm khó” cho doanh nghiệp. Hoặc còn thiếu những gói hỗ trợ rõ ràng. Đơn cử, lãi vay ngân hàng giảm từ 8% xuống 6% thì doanh nghiệp nào cũng sẽ được hưởng.
Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi các gói hỗ trợ trong thời gian tới cần được rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước để triển khai hiệu quả hơn, nhằm vực dậy nền kinh tế, tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục chống đỡ với dịch bệnh.
-Vậy, ông kỳ vọng điều gì từ việc ban hành một luật sửa 10 luật này?
Chắc chắn là chưa thể chọn vẹn và chúng ta cũng không thể cầu toàn. Cho nên phải sớm điều chỉnh, bổ sung các luật để có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, và tôi hy vọng sẽ có những bước chuyển biến tốt hơn. Điều quan trọng là Chủ tịch Quốc hội, các ĐBQH phối hợp cùng Chính phủ nắm bắt tình hình ở cơ sở đang vướng những cái gì, cần tháo gỡ ở đâu.
Đơn cử, qua thông tin báo chí tôi được biết, có kiểm định chuyên ngành mà cần đến 5 bộ. Việc này gây mất thời gian và tốn chi phí, gây bức xúc cho doanh nghiệp, thậm chí không loại trừ khả năng nảy sinh những tiêu cực trong kiểm định.
Với câu chuyện thương mại cũng vậy, phí thuế còn quá nhiều, một con lợn có tới 51 loại phí, một thanh socola cần đến 13 con dấu mới sản xuất được. Tất cả những việc này phải được gỡ bỏ nếu thấy không cần thiết để giải phóng lực lượng sản xuất. Vấn đề cốt lõi là phải gắn với thực tiễn, gần dân, gần doanh nghiệp để làm luật thì mới chính xác và hoàn thiện.
Tôi hy vọng việc ban hành một luật sửa 10 luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, và tạo ra lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp