Câu hỏi: Xin cho biết những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2022.
Trả lời
Từ tháng 6/2022, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó đáng chú ý một số chính sách sau
1. Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Nghị định 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày ngày 01/6/2022 và thay thế các văn bản pháp luật sau: (1) Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; (2) Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Bãi bỏ Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước.
Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm: (1) Cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thì thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ; (2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp; (3) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Việc thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định từ Điều 4 đến Điều 12 gồm các nội dung: Điều kiện thành lập; Mức vốn điều lệ; Hồ sơ đề nghị thành lập; thẩm quyền quyết định thành lập; thẩm định hồ sơ để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Quy trình thành lập doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Quy trình thành lập doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập; Quyết định thành lập doanh nghiệp; Đăng ký doanh nghiệp và thời điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định từ Điều 13 đến Điều 21 gồm các nội dung: Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp; Điều kiện, thẩm quyền ra quyết định, hồ sơ đề nghị, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp; Quy trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; Quy trình chia, tách doanh nghiệp; Quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp; Chính sách đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý; Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Việc bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định từ Điều 22 đến Điều 32 gồm các nội dung: Các trường hợp bán toàn bộ doanh nghiệp; Đối tượng không được mua doanh nghiệp; Nguyên tắc, trình tự bán toàn bộ doanh nghiệp; Tổ chức đấu giá doanh nghiệp; Trách nhiệm trong tổ chức thực hiện bán toàn bộ doanh nghiệp; Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đăng ký mua và người trúng đấu giá; Phê duyệt kết quả bán, ký kết hợp đồng, bàn giao, thanh toán, thông báo về việc hoàn thành bán toàn bộ doanh nghiệp; Chi phí bán toàn bộ doanh nghiệp; Quản lý và sử dụng số tiền bán toàn bộ doanh nghiệp; Chính sách đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo quản lý khi bán toàn bộ doanh nghiệp.
Về chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quy định từ Điều 33 đến Điều 38 gồm các nội dung: Điều kiện và hình thức; nguyên tắc; nội dung phương án chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Trách nhiệm trong thực hiện chuyển đổi; Chính sách đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo quản lý; Quản lý và sử dụng tiền thu từ chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Về giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định từ Điều 39 đến Điều 47 gồm các nội dung: Điều kiện; thẩm quyền đề nghị giải thể và quyết định; quy trình, quyết định giải thể doanh nghiệp; Hội đồng giải thể; quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Trách nhiệm của doanh nghiệp bị giải thể; Chính sách đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo quản lý; Thời hạn giải thể doanh nghiệp.
Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định từ Điều 48 đến Điều 53 gồm các nội dung: Các trường hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Điều kiện chuyển giao giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu; Nguyên tắc tổ chức thực hiện; trình tự, thủ tục chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp; Chính sách đối với lao động trong doanh nghiệp khi thực hiện chuyển giao.
2. Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Nghị định 24/2022/NĐ-CP ngày 04/6/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định cũng có những quy định chuyển tiếp một số quy định của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Nghị định số 140/2018/NĐ-CP; Nghị định số 15/2019/NĐ-CP;…
3. Quy định mới về cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính
Nghị định số 25/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính có hiệu lực từ ngày 01/6/2022.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung; thay thế, bãi bỏ một số điều của Nghị định 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Thông tư số 02/2012/TT-BTTTT ngày 15/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính hết hiệu lực.
4. Quy định về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định 26/2022/NĐ-CP ngày 14/4/2022 của Chính phủ về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.
Nghị định này hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 về thủ tục chấp thuận viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam và quy chế hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm: (1) Cơ quan lãnh sự do viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài đứng đầu tại Việt Nam, viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam; (2) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chấp thuận và hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
5. Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025.
Quyết định này thay thế Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Quyết định này quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: Đối tượng tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân trồng lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; chăn nuôi trâu, bò, lợn và nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp. (2) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan. (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
6. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/7/2022
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022.
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; việc quản lý, sử dụng chứng từ khi thực hiện các thủ tục về thuế, thu phí, lệ phí và quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ.
Nghị định khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01/7/2022.
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022.
Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01/11/2020.
Bãi bỏ khoản 12 Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
Việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản công khi xử lý tài sản công (hóa đơn bằng giấy do Bộ Tài chính đặt in) tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia khi bán hàng dự trữ quốc gia (hóa đơn bằng giấy) tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BTC ngày 08/02/2012 của Bộ Tài chính. Trường hợp có thông báo chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia thì các đơn vị thực hiện chuyển đổi theo quy định.
Nghị định cũng có quy định một số trường hợp xử lý chuyển tiếp.
7. Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thông tư 01/2022/TT-VPCP ngày 02/5/2022 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực từ ngày 20/6/2022; thay thế Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-VPCP-BNV ngày 23/10/2015 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Thông tư, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh;
Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh là đầu mối Cổng Thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; quản lý Công báo và phục vụ các hoạt động chung của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; giúp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng; tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc (đối với địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc).
8. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tư quy định một số chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về hỗ trợ công nghệ, tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến.
9. Quy định về hỗ trợ lãi suất các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/02/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
P.D (tổng hợp)