Trong thời gian tới, tình hình Biển Đông có thể diễn biến theo một trong các khả năng sau: Thứ nhất, các quốc gia vẫn theo đuổi chính sách riêng theo nhận thức của mình; Thứ hai, tình trạng căng thẳng, va chạm xảy ra nhiều nhưng không dẫn đến đối đầu quân sự; Thứ ba, cục diện căng thẳng và hòa dịu đan xen nhưng phức tạp và khó lường; Thứ tư, tăng cường đối thoại, tìm giải pháp nhưng khó thực chất; Thứ năm: không loại trừ có va chạm trên biển và nếu không kiểm soát tốt sẽ neo thang thành xung đột. Trong số đó, khả năng thứ 3 là cao hơn, sẽ không có giải pháp toàn diện, dứt điểm trong vòng 5 - 10 năm tới cũng như sẽ không có chiến tranh hoặc xung đột lớn xảy ra trên Biển Đông.
Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời được hưởng các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, thềm lục địa theo đúng UNCLOS 1982. Lập trường của ta cũng kiên định giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC 2002).
Việt Nam đã ban hành hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quy chế các vùng biển và chủ quyền của Việt Nam; Tuyên bố về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đường cơ sở, Luật Hàng hải, Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển; Tham gia các công ước quốc tế về biển, luật biển, giao thông hàng hải và tiến hành đối ngoại cả song phương lẫn đa phương với Trung Quốc để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến chủ quyền ở Hoàng Sa, quyền khai thác cửa Vịnh Bắc Bộ, và thềm lục địa của Việt Nam. Tăng cường hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực có lợi ích ở Biển Đông để cùng giữ gìn an ninh biển, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển; bảo vệ các nguyên tắc pháp lý được đông đảo cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Chúng ta đã giữ được hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của ta; tạo được sự đồng thuận cao trong toàn dân tộc; làm cho dư luận quốc tế hiểu được tính đúng đắn, cơ sở pháp lý của ta và sự phi lý trong các yêu sách về chủ quyền của nước ngoài trên Biển Đông; bảo đảm cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là nghề cá và dầu khí được triển khai thuận lợi, lợi ích quốc gia được giữ vững.
Cần phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm, tư tưởng chỉ đạo: “4 Tránh”, “3 Không” và “9 K”. Theo đó, “4 Tránh” là tránh xung đột về quân sự, tránh đối đầu về kinh tế; tránh cô lập về ngoại giao; tránh lệ thuộc về chính trị. “3 Không” là: không liên minh quân sự với nước ngoài; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự để chống lại các nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với nước khác. “9 K” là: kiên quyết đấu tranh, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không nổ súng trước, không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo, không để xảy ra xung đột.
Để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, Tuyên bố DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng vì trong lúc lập trường của các nước còn khác xa nhau thì UNCLOS 1982 sẽ là cơ sở pháp lý, là chuẩn mực để các bên đối chiếu, điều chỉnh lại yêu sách của mình cho phù hợp và giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển.
Với những chủ trương và biện pháp đúng đắn, đồng bộ trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng UNCLOS 1982, Việt Nam sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của một quốc gia có trách nhiệm: xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần xây dựng môi trường hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương./.
TĐ