Trả lời: Theo Kế hoạch số 179/KH-TLĐ về tổ chức đại hội công đoàn (ĐHCĐ) các cấp, tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Hướng dẫn số 56/HD-TLĐ, ngày 28/4/2022 về một số nội dung công tác nhân sự ĐHCĐ các cấp; ĐHCĐ các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 với phương châm “Đổi mới – Dân chủ – Đoàn kết – Phát triển" có một số điểm mới so với các kỳ đại hội trước:
Thứ nhất, ĐHCĐ các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 được đẩy nhanh tiến độ hơn các nhiệm kỳ trước, cơ bản tiến hành trong năm 2023. Trong đó, ĐHCĐ cấp cơ sở hoàn hành trước 31/5/2023 (những công đoàn cấp trên trực tiếp có từ 200 CĐCS trở lên cho phép tổ chức Đại hội sớm hơn, bắt đầu từ tháng 12/2022); ĐHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được tổ chức sau khi hoàn thành ĐHCĐ cấp cơ sở trực thuộc và xong trước 31/7/2023; ĐHCĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện khi hoàn thành ĐHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc và xong trước 31/10/2023; Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoàn thành trước 31/12/2023.
Thứ hai, một số trường hợp có thời gian kết thúc nhiệm kỳ lệch so với kế hoạch ĐHCĐ các cấp thì thực hiện như sau: Trường hợp kết thúc nhiệm kỳ trước hoặc sau thời điểm tổ chức ĐHCĐ cấp trên trực tiếp mà chưa thực hiện điều chỉnh nhiệm kỳ thì công đoàn cấp triệu tập đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định điều chỉnh kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ phù hợp với thời gian ghi trong kế hoạch tổ chức Đại hội của cấp đó. Thời gian kéo dài hoặc rút ngắn không quá 30 tháng. Trường hợp tổ chức Công đoàn đã điều chỉnh kéo dài nhiệm kỳ quá 30 tháng, nhưng vẫn kết thúc sớm hơn thì tổ chức Đại hội tại thời điểm kết thúc nhiệm kỳ và tổ chức Hội nghị đại biểu theo thời gian ghi trong kế hoạch Đại hội của công đoàn cấp trên trực tiếp.
Thứ ba, nơi không đủ điều kiện tổ chức Đại hội theo hình thức trực tiếp thì tuỳ theo tình hình thực tế BCH các cấp triệu tập quyết định hình thức Đại hội trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Đây là điểm mới có tính đột phá trong tổ chức ĐHCĐ. Tuy nhiên, hình thức tổ chức nào cũng phải đảm bảo yêu cầu đúng nguyên tắc, theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khi thảo luận về công tác nhân sự và tiến hành bầu cử.
Thứ tư, số lượng đại biểu chính thức (đối với những đơn vị tổ chức Đại hội đại biểu) dự ĐHCĐ phải đảm bảo mức tối thiểu; theo đó, BCH công đoàn cấp triệu tập Đại hội không triệu tập số lượng đại biểu chính thức thấp hơn một phần hai (1/2) số lượng đại biểu được triệu tập tối đa theo khung quy định tại Điểm 6.5 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Thứ năm, đại biểu dự ĐHCĐ các cấp (Đại hội đại biểu và Đại hội toàn thể) đều phải được Đại hội thẩm tra và biểu quyết công nhận tư cách đại biểu.
Thứ sáu, số lượng BCH công đoàn các cấp nhiệm kỳ này thực hiện thống nhất theo khung quy định, được chia theo thang số lượng đoàn viên (tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn số 56/HD-TLĐ, ngày 28/4/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn) với mục tiêu tinh gọn, giảm về số lượng, nâng cao chất lượng.
Thứ bảy, công tác chuẩn bị nhân sự trình ĐHCĐ các cấp phải thực hiện quy trình 5 bước, riêng cho 2 đối tượng, gồm nhân sự giới thiệu tái cử (thực hiện trước) và nhân sự giới thiệu tham gia lần đầu (thực hiện sau). Trường hợp công đoàn cấp cơ sở chuẩn bị trình Đại hội bầu trực tiếp chủ tịch CĐCS thì thực hiện quy trình chuẩn bị nhân sự theo Hướng dẫn số 28/HD-TLĐ ngày 24/6/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
Thứ tám, việc chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới, từ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên phải đảm bảo có số dư từ 10% đến 15% đối với BCH, ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra, theo khung số lượng (tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn số 56/HD-TLĐ, ngày 28/4/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về một số nội dung công tác nhân sự ĐHCĐ các cấp)./.
Quang Minh