Câu hỏi: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022 với ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Xin cho biết những giải pháp cơ bản để chuyển đổi số quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Trả lời
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đối với toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh vừa chống đại dịch covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đặt ra các mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử (EGDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong mỗi ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Trong thời đại số, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách là phải phát huy nội lực để tự chủ trên không gian mạng.
Năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân, toàn diện. Ở Việt Nam, chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm và có ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022 để tạo bước đột phá.
Trước yêu cầu và mục tiêu đó, ngành thông tin và truyền thông đã đưa ra những giải pháp cơ bản thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt cần chú ý những giải pháp sau:
Một là, làm chủ hạ tầng số
Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông cùng với hạ tầng dữ liệu. Muốn phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì hạ tầng số đóng vai trò quyết định và phải đi trước một bước.
Theo định hướng phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số đến năm 2025, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam chú trọng phát triển hạ tầng băng rộng cố định, hạ tầng băng rộng di động và đặc biệt là hạ tầng của các trung tâm dữ liệu. Việt Nam đã đặt mục tiêu làm chủ hạ tầng băng rộng, trong đó có hạ tầng thiết bị 5G cũng như các công nghệ, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.
Ngành Thông tin và Truyền thông cũng định hướng hạ tầng bưu chính chuyển đổi từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất phục vụ cho nền kinh tế số. Hạ tầng bưu chính sẽ trở thành một huyết mạch của thương mại điện tử. Đồng thời, ngành Bưu chính cũng được giao trọng trách phục vụ phát triển chính phủ số, cải cách hành chính, góp phần đưa dịch vụ công lên mức độ 3, 4; bảo đảm an toàn tuyệt đối dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.
Hai là, phát triển và làm chủ các nền tảng số
Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Ngành Thông tin và Truyền thông đã định hướng phát triển hệ sinh thái các nền tảng số “make in Vietnam” đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam, có khả năng đi ra toàn cầu. Năm 2022 sẽ phát triển 35 nền tảng số quốc gia, được chia thành 6 nhóm: hạ tầng số; chính phủ số; công nghệ số cốt lõi; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh và lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, kho vận, công thương. Việc phát triển các hệ sinh thái nền tảng số này sẽ giúp giữ lại tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam.
Ba là, làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp
An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số. Đây là lá chắn vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, tạo điều kiện cho phát triển đất nước bền vững.
Ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam, góp phần giúp chúng ta làm chủ và giữ an toàn được dữ liệu của Việt Nam.
Bốn là, làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu
Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm, trong đó chú trọng chương trình “Make in Viet Nam”, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia góp phần giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.
Những giải pháp cơ bản này góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh, góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
Phương Dung (Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
1. Chi Dân: “Các giải pháp để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia”, Tạp chí Thời đại online, 20/9/2021.
2. Hiền Minh: “Chuyển đổi số và cuộc sống ở Việt Nam 10 năm tới: góc nhìn từ chuyên gia”, https://baochinhphu.vn
3. Đỗ Phong: “Đẩy nhanh chuyển đổi số: Cần cách làm đột phá”, VNEconomy online, ngày 14/3/2022.
4. Văn Phong: “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, Quân đội nhân dân online, ngày 28/01/2021.
5. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.