Sinh hoạt chi bộ được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú với những nội dung thích hợp như: sinh hoạt chính trị (sinh hoạt lãnh đạo), sinh hoạt học tập, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt định kỳ v.v.. nhưng tất cả đều phải gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng chi bộ.
Trong những năm qua, việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết như Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có nội dung “Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.
Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ rõ: Đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng. Kịp thời cụ thể hóa chủ trương của cấp trên phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ.
“Tăng cường sinh hoạt chuyên đề, chú trọng những vấn đề mới, cần quan tâm. Có giải pháp sinh hoạt đảng phù hợp đối với tổ chức đảng ở địa bàn có nhiều đảng viên từ nơi khác đến tạm trú, có nhiều khu công nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tư nhân”
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó, sinh hoạt chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính giáo dục và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Thông qua cuộc sinh hoạt chuyên đề mở rộng, những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm công tác "đền ơn đáp nghĩa", nâng cao ý thức của người đảng viên với những người có công với nước. Qua đó đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.
Thực hiện nghiêm túc, nề nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng. Nội dung sinh hoạt phải cụ thể sát với các nhiệm vụ của đơn vị được giao. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ.
Nâng cao chất lượng điều hành trong sinh hoạt chi bộ, theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, kịp thời thông tin phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và ngoài nước, dành thời gian thỏa đáng cho phần thảo luận, có những gợi mở để các đảng viên tham gia thảo luận.
Nâng cao ý thức đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ, đảng viên dự họp phải tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện rõ chính kiến của mình, tham gia biểu quyết, xây dựng Nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của chi bộ. Cấp ủy phải lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng tấm gương đảng viên tiêu biểu, đồng thời phê bình, xử lý đảng viên vi phạm./.
CM