Trả lời: Để xây dựng văn hóa liêm chính, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng cho cán bộ, đảng viên niềm tin và ý chí trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, của cách mạng Việt Nam. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng, lý luận, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức liêm chính. Để làm được điều này phải có giải pháp chiến lược, lâu dài về công tác cán bộ, trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quan tâm hơn nữa công tác phát triển đảng viên mới, thông qua hoạt động thực tiễn để lựa chọn những người hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có đạo đức, lối sống, tư cách tốt để tuyên truyền, giác ngộ những người này vào Đảng, giáo dục lý tưởng cộng sản, dám hy sinh lợi ích cá nhân, phụng sự sự nghiệp của Đảng, Tổ quốc, nhân dân, có trách nhiệm với công việc được giao, thường xuyên gần gũi, kính trọng nhân dân, biết sống vì cộng đồng, biết giúp đỡ, sẻ chia, biết tham gia hoạt động xã hội.
Lựa chọn đúng đắn cán bộ để giới thiệu vào cơ quan đại biểu của nhân dân, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Trong bố trí cán bộ, cần học tập kinh nghiệm của cha ông và kinh nghiệm quốc tế: không bố trí làm quan ở quê hương, không bố trí lãnh đạo, quản lý ở một chức vụ quá hai nhiệm kỳ, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có, thể chế hóa các nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức gắn với chế tài xử lý cụ thể.
Ba là, hoàn thiện pháp luật và đẩy mạnh tổ chức thực hiện pháp luật về liêm chính, tiêu biểu là Luật cán bộ, công chức, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức, thực hiện dân chủ ở cơ quan, tổ chức...
Bốn là, tiếp tục kiện toàn, củng cố các thiết chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiểm soát hiệu quả việc thực hiện quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các phương thức: kiểm soát trong nội bộ cơ quan nhà nước, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước và kiểm soát từ bên ngoài vào bộ máy nhà nước. Trong nội bộ cơ quan nhà nước cần quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước nơi để xảy ra tham nhũng, lãng phí lớn. Lâu nay đã có quy định nhưng cũng chưa xử lý được ai về trách nhiệm này. Kiểm soát từ bên ngoài vào bộ máy nhà nước bao gồm hoạt động kiểm tra của Đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, giám sát của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giáo dục liêm chính, giáo dục đạo đức công vụ trong cán bộ, nhân dân. Đưa việc phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục liêm chính vào các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như các đối tượng ngoài xã hội. Từ đó, nhằm hình thành nhân cách thượng tôn pháp luật, tôn trọng, yêu mến người liêm chính. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có chuyên trang, chuyên mục giáo dục liêm chính, tôn vinh gương người tốt, việc tốt để thông tin về liêm chính, đạo đức, việc tử tế phải lấn át tin tức về quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bất liêm, bất chính trong hoạt động của hệ thống chính trị hằng ngày.
Quan trọng nhất là cần giáo dục, đánh thức danh dự cá nhân, tự thấy xấu hổ, liêm sỉ, tự trọng, không sân si trước tiền của, vật chất của xã hội. Chú trọng giáo dục lương tâm và danh dự, tạo nên phản ứng dư luận xã hội lên án, bài trừ thói xấu, tẩy chay với những kẻ tham nhũng bất lương./.
Quang Minh