Trả lời: Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả, cần quán triệt một số nguyên tắc cơ bản: Nguyên tắc tính Đảng; Dựa vào nhân dân; Phân biệt rõ quan điểm sai trái, quan điểm thù địch và phân loại cụ thể để có các phương pháp đấu tranh, phê phán phù hợp, hiệu quả; Vận dụng sáng tạo các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin; Sử dụng tổng hợp các biện pháp, các lực lượng.
Thứ nhất, nguyên tắc tính đảng. Nói đến tư tưởng là nói đến đảng chính trị, nói đến hệ tư tưởng, đến lợi ích giai cấp. Cuộc đấu tranh tư tưởng là cuộc đấu tranh ý thức hệ, đấu tranh vì lợi ích giai cấp, mang tính giai cấp rất rõ. Nguyên tắc tính đảng đòi hỏi chúng ta phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Thứ hai, dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, muốn đạt được kết quả phải dựa vào nhân dân.
Thứ ba, phân biệt rõ quan điểm sai trái, quan điểm thù địch và phân loại cụ thể để có các phương pháp đấu tranh, phê phán phù hợp, hiệu quả. Quan điểm sai trái là những quan điểm không đúng với tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm sai trái gồm hai loại: một là do kém hiểu biết, nhận thức chưa đầy đủ, hai là do cố tình hiểu sai, cố tình làm sai, cố tình tuyên truyền sai. Quan điểm thù địch là nhữn quan điểm phủ định, bác bỏ, đối lập với tư tưởng, tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với những quan điểm sai trái, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ triệt để bằng các luận cứ khoa học, những lỹ lẽ lịch sử, thực tiễn, logic thuyết phục. Đối với những quan điểm thù địch, cần kiên quyết (không khoan nhượng, thỏa hiệp), kiên trì (kiên nhẫn, không nóng vội) đấu tranh chống lại, bác bỏ toàn diện, triệt để trên nhiều phương diện lý luận, pháp lý, lịch sử, khoa học, thực tiễn.
Thứ tư, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, như nguyên tắc khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử - cụ thể và thực tiễn. Nguyên tắc khách quan là chỉ rõ sai lầm của các quan điểm sai trái, thù địch ở các nội dung, phương diện một cách khách quan. Nguyên tắc toàn diện là xem xét nhiều mặt, nhiều phương diện, sử dụng đồng bộ nhiều phương thức, hình thức, phương pháp đấu tranh. Nguyên tắc phát triển đòi hỏi phải có cái nhìn bao quát sự vận động đối với những quan điểm sai trái, thù địch, từ nguồn gốc, quá trình biến đổi, xu hướng vận động… Nguyên tắc lịch sử - cụ thể là đưa ra được luận cứ cụ thể, phù hợp, xác thực, không chung chung, trừu tượng, giáo điều, rập khuôn, máy móc. Nguyên tắc thực tiễn yêu cầu luôn lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ năm, sử dụng tổng hợp các biện pháp, các lực lượng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đấu tranh cần kết hợp giữa trực tiếp và gián tiếp, giữa thuyết phục với đối thoại, giữa xây và chống trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…/.
T.V.P