Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành một trong những ngành then chốt, định hình tương lai của thế giới. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu “trong dự thảo Chiến lược phát triển Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, định hướng đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu”1. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong phát triển ngành công nghiệp này.
Thứ nhất, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để phát triển công nghiệp bán dẫn
Khi chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á, là một nước có hệ thống chính trị ổn định, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí địa lý chiến lược thuận lợi trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có. Việt Nam lại có lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo, có tố chất khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering), toán học (Mathematics) - STEM, được đào tạo trong các lĩnh vực liên quan đến ngành bán dẫn nên việc đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp đối với lực lượng này thuận lợi. Thêm vào đó, Việt Nam lại sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm lớn thứ hai thế giới2.
Thứ hai, Việt Nam có quyết tâm chính trị cao từ Trung ương đến địa phương trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Về chủ trương, chính sách, Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao3.
Chính phủ Việt Nam xác định: “Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ cao; sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành phụ trợ khác”4. Chính phủ đã có những hành động kịp thời, quyết liệt để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên, định hướng cần “tiếp thu, làm chủ và phát triển… công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn công suất lớn quan trọng dùng trong các thiết bị tự động hóa; công nghệ sản xuất các thiết bị phụ trợ cơ bản trong tự động hóa, công nghệ rô-bốt, dây chuyền sản xuất tự động”5.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”6.
Chiều 24/4/2024, tại Hội nghị về Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải tập trung vào 05 trụ cột, gồm: (i) phát triển hạ tầng; (ii) xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; (iii) đào tạo nguồn nhân lực; (iv) huy động nguồn lực; (v) xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn” với quan điểm, tầm nhìn chiến lược của Việt Nam là “phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn từ thiết kế hệ thống, vật liệu bán dẫn, sản xuất, đóng gói, kiểm thử”7.
Ngày 06/5/2024, trong Kết luận phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”8.
Ngày 05/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban thường trực và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo9.
Những văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, quyết định,… này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội, phát huy tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Cùng với đó, “các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn”10.
Thứ ba, Việt Nam có cơ sở, nền tảng quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao
Một là, Việt Nam có cơ sở, nền tảng tạo nên nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn bởi Việt Nam nằm trong top đầu về khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu lao động thông qua đào tạo lại và đào tạo chuyển tiếp. Việt Nam cũng trong top đầu về năng lực STEM.
Từ những năm đầu thập kỷ 1960, Việt Nam đã quan tâm và có những bước đi khá căn bản về bán dẫn với đội ngũ nhà khoa học vật lý bán dẫn và bắt đầu nghiên cứu về linh kiện bán dẫn Germatnium (với mẫu Ge do chuyên gia Liên Xô giúp). Một số nhà khoa học sau đó tiếp tục được đào tạo cấp cao hơn ở Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc, Hungary, và hàng trăm sinh viên được cử sang các nước đó học ngành này. Năm 1979, nhà máy Z181 (Quân đội) được thành lập, được coi là khởi đầu của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Tuy nhiên, đến đầu những năm 1990, nhà máy dừng sản xuất, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam lụi tàn11.
Giai đoạn phát triển nguồn nhân lực thiết kế chip ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2005-2006. Cho đến nay, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực trong công việc, được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức trong các dự án thiết kế chip. Ngày càng nhiều công ty nước ngoài lớn đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam như RVC, Marvell, Ampere, Synopsys,.... Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu gia tăng đáng kể. Trình độ kỹ sư đã tham gia vào ngành này của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các kỹ sư Việt Nam được các công ty Singapre, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc,... săn đón cho các vị trí công việc dài hạn. Đây thuận lợi lớn để phát triển nguồn nhân lực thiết kế chip của Việt Nam.
Gần đây, nhà máy OSAT, một FDI của Intel ở thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện công đoạn đóng gói và kiểm định, xuất xưởng hơn 3 tỷ chip. Mặc dù công đoạn này chỉ chiếm 6% giá trị của sản phẩm bán dẫn, nhưng đó là bước khởi đầu quan trọng. Nếu Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực này và nếu chịu khó học hỏi và nhà đầu tư FDI có thiện chí lan tỏa thì sau một thời gian nữa, người Việt có thể thay thế trên 50% chuyên gia quốc tế.
Hai là, Chính phủ đã tạo điều kiện đầu tư xây dựng các trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, trong đó có công nghệ bán dẫn. “Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), các Khu công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung”12 với cơ sở hạ tầng hiện đại và có nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn.
Ba là, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực qua đào tạo này13. “Trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội bắt đầu đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2024 với lợi thế về cơ sở vật chất mới được đầu tư và hợp tác quốc tế, đồng thời trường có kinh nghiệm hơn 10 năm trong đào tạo các ngành gần với vi mạch bán dẫn như: Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, vật lý kỹ thuật và điện tử”14.
Đó là những thuận lợi rất quan trọng của Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Thứ tư, Việt Nam có lợi thế về địa lý và có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi
Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, lại có đường biển dài, có nhiều tiềm năng cho lưu thông hàng hóa nên rất thuận lợi trong giao thương trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử hàng đầu thế giới như: Intel, Samsung, Foxconn, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử), Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế), Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị),... Chẳng hạn như, Ngày 21/8/2020, Nghị định 94 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC đã đưa ra những chính sách và ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung tâm, trong đó có ưu đãi cho các doanh nghiệp bán dẫn khi gia nhập đầu tư vào thị trường Việt Nam. Cụ thể: “Đối với cơ sở Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: a) Được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu, miễn thuế trong 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 09 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế; b) Được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất”15.
Thứ năm, Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với nhiều nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển
Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc bán dẫn: Mỹ, Trung Quốc,… và có quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Quan hệ ngoại giao tốt đẹp này là cơ sở, nền tảng tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia sâu hơn và chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, NIC đã ký biên bản ghi nhớ với Đại học bang Arizona (ASU), một trường kỹ thuật lớn nhất ở Mỹ với khả năng và chương trình nghiên cứu mở rộng về vi điện tử và bán dẫn ATP, sản xuất vi mạch và thiết kế nhằm xác định các cơ hội phối hợp giữa hai bên trong lĩnh vực bán dẫn, vi điện tử và các chuyên ngành liên quan khác. Theo đó, ASU sẽ giới thiệu cơ hội việc làm cho các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại trung tâm thiết kế vi mạch NIC để ươm tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành bán dẫn, bao gồm các mối liên kết với hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu rộng lớn của Arizona. ASU và NIC sẽ hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam và các tổ chức giáo dục khác để phát triển các chương trình đào tạo, trao đổi nghiên cứu liên quan đến chất bán dẫn và các lĩnh vực liên quan. ASU sẽ tạo điều kiện hỗ trợ NIC kết nối, hợp tác với các Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn trong ngành bán dẫn tại Hoa Kỳ và trên thế giới, hướng tới phát triển hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Mặt khác, ASU cam kết sẽ tìm kiếm và khai thác các nguồn tài trợ thích hợp nhằm phát triển năng lực của lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn16. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa NIC với tập đoàn Cadence Design Systems về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam17.
Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ hai nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn: “Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai18.
Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore,...sang tìm hiểu và đầu tư thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Chính phủ các nước.
Thứ sáu, Việt Nam đã có các công ty tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn
Tập đoàn nhà nước Viettel là đơn vị tiên phong trong việc tự làm chủ công nghệ chip cao cấp riêng biệt dùng cho sản xuất trạm viễn thông 5G. Việc kỹ sư Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ này là một tiền đề để mở ra sự chủ động trong công nghệ tương lai. “Chip 5G DFE là một thành tựu mới nhất của Việt Nam trong làm chủ chipset cao cấp mà chỉ có ít nước làm được, giúp đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành bán dẫn toàn cầu để sản xuất nhiều loại chip phục vụ các lĩnh vực như AI, 6G, IOT trong tương lai”19.
Tập đoàn FPT cũng đã chính thức thông báo thương mại hóa chip do các kỹ sư người Việt nghiên cứu và thiết kế sử dụng trong thiết bị y tế. Tập đoàn FPT đã đề xuất phía Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo 30.000-50.000 chuyên gia bán dẫn thông qua đầu tư vào Đại học FPT20.
Các sản phẩm vi mạch, lõi IP cũng được đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia được ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Thứ bảy, Việt Nam có lợi thế tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ những công ty bán dẫn đầu tư vào Việt Nam
Công ty Renesas ở Việt Nam (RVC) trong quá trình hoạt động đã đào tạo ra hàng nghìn kỹ sư thiết kế chip.
Hơn 30 công ty nước ngoài từ Nhật, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc,... với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư đóng góp vào các công đoạn gia công thiết kế, lắp ráp, kiểm định các vi mạch dùng trong ô tô, thiết bị mạng viễn thông, và hàng tỷ các thiết bị điện tử dân dụng khác được sử dụng rộng khắp trên toàn thế giới21 là nguồn nhân lực được các công ty này đào tạo để có thể tiếp nhận công nghệ từ các chuyên gia nước ngoài.
Hai hãng khổng lồ về công nghệ là Intel tiếp cận Việt Nam từ năm 2005, nhà máy đóng gói và kiểm định chip máy tính Intel Việt Nam bắt đầu hoạt động từ 2010. Samsung đầu tư vào Việt Nam sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử từ năm 2008. Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu đầu tư vào nhà xưởng, sản xuất, dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/202522.
Đây là minh chứng cho việc Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia sâu hơn, đóng vai trò quan trọng hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Và cũng là cơ sở, nền tảng, động lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ Việt Nam cho ngành này.
Thứ tám, Việt Nam có số lượng kiều bào, người Việt tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất bán dẫn, từ nghiên cứu thiết kế chip, nghiên cứu vật liệu bán dẫn, đến kiểm thử, đóng gói vi mạch bán dẫn
Thung lũng Silicon Valley (Mỹ) có khoảng 50.000 người Việt làm trong lĩnh vực công nghệ, trong đó một số lượng đáng kể làm về vi mạch bán dẫn. Việt Nam đã kêu gọi kiều bào là cầu nối, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư lĩnh vực này ở Việt Nam; thu hút nhiều nhà đầu tư, nhiều nhân tài về nước. Bốn mảng chính cần kêu gọi sự chung tay góp sức của kiều bào là: (1) Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dùng; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng nhân tài công nghiệp bán dẫn; (3) Thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; (4) Hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dân quy mô nhỏ, công nghệ cao.
Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, Việt Nam là nước có cơ hội to lớn. Với sự quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam sẽ khai thác tối đa những thuận lợi kể trên, tận dụng triệt để cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để trở thành một mắt xích quan trong trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu./.
Hương Bùi
Tài liệu tham khảo và chú thích
1. Anh Lương: “Phấn đấu năm 2030 Việt Nam trở thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn”, daibieunhandan.vn, ngày 17/06/2024.
2. Hương Bùi: “Cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, http://thinhvuongvietnam.com/, ngày 10/09/2024.
3. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4, 7, 10, 12, 13. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 199/TB-VPCP ngày 05 tháng 5 năm 2024 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
5. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022 ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
6. Chính phủ: Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/08/2023 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023.
8. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2024 kết luận phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.
9. Thiên Hương: “Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, http://thinhvuongvietnam.com/, ngày 09/09/2024.”
11. GS.TS. Trần Xuân Hoài: “Ngành công nghiệp bán dẫn: Cơ hội và tương lai cho Việt Nam?”, https://tiasang.com.vn/
14. La Duy: “Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, https://www.qdnd.vn/, ngày 28/02/2024.
15. Chính phủ: Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia.
16. Hạnh Nguyễn: “Đại học Bang Arizona hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn”, https://www.vietnamplus.vn/, ngày 20/9/2023.
17. “Các tập đoàn bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ có ‘quyết tâm cao’ với Việt Nam”, https://moit.gov.vn/, ngày 20/9/2023.
18. “Toàn văn Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”, https://baochinhphu.vn/, ngày 11/09/2023.
19. Bảo Bình: “Phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam sẽ có cơ hội cao hơn ở khâu thiết kế vi mạch”, https://vneconomy.vn/, sngày 04/06/2024.
20. La Duy: “Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, https://www.qdnd.vn/, ngày 28/02/2024.
21. Nguyễn Thanh Yên: “Định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam”, Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, https://ictvietnam.vn.
22. HNV (lược ghi): “Ngành bán dẫn Việt Nam: Tiềm năng và thách thức với bất động sản công nghiệp”, https://dangcongsan.vn, ngày 27/06/2024.
Hương Bùi