Hoạt động thương mại điện tử tại nước ta đang trong giai đoạn bùng nổ với tăng trưởng hàng năm ở mức cao, tuy nhiên hiện nay về mặt khung khổ pháp lý vẫn còn nhiều quy định lạc hậu chưa theo kịp xu thế mới. Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm với chủ đề: “Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 23/3, tại Hà Nội.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế số và Internet thì dường như nhiều vấn đề về pháp lý đang bị chồng lấn. Một số nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, hiện nhiều quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh cấp giấy phép hoạt động trên môi trường mạng còn nhiều bất cập; vấn đề bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số chưa thực sự rõ ràng, hiệu quả; Các mô hình kinh doanh, dịch vụ trên nền tảng kinh tế số phát triển khá nhanh, nhưng lại chưa có nhiều biện pháp quản lý…
"Rõ ràng là với tốc độ phát triển nhanh và lợi ích của thương mại điện tử mang lại là không phủ nhận, nhưng cũng có nhiều rủi ro trục trặc xảy ra. Do đó, phải ứng xử chính sách, liều lượng như thế nào cho phù hợp, nội dung cần được lưu tâm. Trên rất nhiều lĩnh vực, ngành không chỉ về thương mại điện tử, hay điện ảnh, du lịch và khác nữa… thì chúng tôi cho rằng một góc độ pháp lý phải bảo đảm lợi ích công, trật tự công, bảo vệ đảm bảo vệ người tiêu dùng đây là mục tiêu rất quan trọng" - ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều ý kiến nhận định, một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa mạng xã hội và sàn thương mại điện tử là cho đến nay các mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Người mua và người bán vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch thương mại.
Trong khi đó các sàn thương mại điện tử có thể có chức năng đặt hàng trực tuyến và cho phép giao dịch được hoàn tất trên môi trường mạng từ khâu đặt hàng cho đến khâu vận chuyển và giao hàng. Do đó, công tác quản lý hoạt động có yếu tố thương mại điện tử trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình thương mại điện tử khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi trong thực tế.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần VCCorp cho biết, sắp tới sẽ ra mắt mạng xã hội có chức năng thanh toán, giao hàng. Xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh để phát triển minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được nhưng không kìm hãm nó.
Ông Tuấn cũng lưu ý, cần phải quản lý và có chế tài rõ ràng với vấn đề lừa đảo qua mạng: "Cần phải quản lý được hàng hóa phục vụ và đăng tải trên nền tảng mạng internet để đảm bảo vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, tránh bán hàng giả hàng nhái đối với các sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ. Phải quản lý được vấn đề lừa đảo, mạo danh để bán hàng. Vấn đề nữa đó là làm thế nào để quản lý thuế của người bán hàng trên môi trường mạng xã hội đó về thuế và tạo ra sự cạnh tranh công bằng".
Theo ước tính của Google, trong năm ngoài nền kinh tế số của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ USD, các ý kiến cũng cho rằng, để quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới, các quy định liên quan đến hoạt động có yếu tố thương mại điện tử trên mạng xã hội cần dựa trên cơ sở pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quảng cáo.
Đối với nội dung quản lý thuế của các cá nhân, tổ chức bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử có cơ chế rõ ràng và linh hoạt để các chủ thể có liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho một bên thứ ba để kê khai và nộp thuế./.
Nguyễn Hằng/VOV1