Thứ nhất, dồn điền, đổi thửa. Khi thực hiện chủ trương giao cho hộ gia đình quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài, để bảo đảm công bằng, ruộng đất giao cho hộ “có gần, có xa, có tốt, có xấu”, làm cho một hộ có rất nhiều mảnh ruộng nhỏ, lẻ, ảnh hưởng xấu tới sản xuất. Với sự hộ trợ, giúp đỡ của hợp tác xã, chính quyền thôn, xã, các hộ đã tự nguyện hoán đổi các thửa ruộng đất với nhau để giảm số thửa, tăng diện tích mỗi thửa của hộ. Hiện nay, các hộ có trung bình 2-3 thửa. Dù tổng diện tích đất của hộ không tăng lên, nhưng việc dồn điền đổi thửa đã góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất của hộ.
Thứ hai, góp đất vào tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, các hộ gia đình đã tự nguyện liên kết thành lập Tập đoàn sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp. Tham gia tập đoàn hay hợp tác xã nông nghiệp, nhưng các hộ vẫn tự chủ canh tác trên ruộng đất của mình. Tập đoàn, hợp tác xã làm dịch vụ cho hộ các khâu làm đất, tưới tiêu nước, cấy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch; cung cấp cho hộ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng (giảm khả năng mua phải hàng giả, kém chất lượng), với chi phí thấp (do hợp tác xã, tập đoàn mua số lượng lớn, ổn định ở các công ty cung ứng). Tình hình phổ biến hiện nay là các tập đoàn, hợp tác xã cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu vốn hoạt động, năng lực cán bộ quản lý hạn chế, thiếu sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước nên phạm vi và hiệu quả hoạt động còn rất thấp, hạn chế khả năng hỗ trợ các hộ gia đình.
Thứ ba, các hộ mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ khác để mở rộng sản xuất, trở thành trang trại hoặc các hộ quy mô lớn. Hình thức mua, nhận chuyển quyền sử dụng đất diễn ra nhiều ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Một số hộ có năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất mua lại quyền sử dụng đất của những hộ có ít ruộng đất (1-2ha) làm không đủ ăn, bán đất để có vốn chuyển sang làm nghề khác; những hộ nợ nần nhiều không có khả năng trả nợ, càng để kéo dài thì nợ và lãi ngày càng lớn, phải bán đất để trả nợ; những hộ con cái đã ra thành phố làm việc, sinh sống, có đất nhưng không còn người sản xuất nông nghiệp.Quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được quá 10 lần hạn mức giao đất (như vậy là tối đa không quá 30ha đối với các hộ ở miền Nam và tối đa không quá 20ha đối với các hộ ở miền Bắc). Hiện nay, một số hộ có đất vượt quá hạn mức được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đã phải nhờ nhiều người khác đứng tên một phần diện tích đất của mình.
Thứ tư, hình thức hộ thuê đất của các hộ khác để mở rộng sản xuất diễn ra ngày càng phổ biến. Giá cả, thời hạn thuê, phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận (Giá cho thuê thường căn cứ vào thu nhập đem lại cho các hộ gia đình ở địa phương khi tự mình canh tác trên đất đó). Người đi thuê thường muốn thuê thời hạn dài để yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất. Người cho thuê thường muốn cho thuê thời hạn ngắn để điều chỉnh giá.
Thứ năm, doanh nghiệp liên kết sản xuất với hộ gia đình. Các hộ gia đình vẫn canh tác trên diện tích đất của mình theo sự hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp; doanh nghiệp bỏ vốn mua, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mua lại sản phẩm do hộ sản xuất ra. Các hộ không cần có vốn vẫn có giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm về chất lượng, với giá rẻ hơn tự mua (do doanh nghiệp mua với số lượng lớn), canh tác theo quy trình kỹ thuật tiên tiến nên đạt năng suất cao hơn tự mình canh tác và không lo tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp có được lượng sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp ngay cho thị trường hay cho chế biến xuất khẩu.
Thứ sáu, doanh nghiệp mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ để mở rộng sản xuất. Hình thức này có trong thực tế nhưng hiện nay còn chưa nhiều. Lý do là vì doanh nghiệp thường cần nhiều đất nhưng có ít người bán và vướng mắc do quy định về mục đích sử dụng đất, nên doanh nghiệp chỉ có thể mua được thêm một số diện tích ở gần diện tích doanh nghiệp đã có để mở rộng sản xuất.
Thứ bảy, doanh nghiệp thuê đất của hộ nông dân để sản xuất. Đây là hình thức phù hợp, đáp ứng được cả yêu cầu của doanh nghiệp và hộ gia đình. Doanh nghiệp có đất để sản xuất với chi phí thấp hơn nhiều khi mua quyền sử dụng đất. Hộ gia đình tăng thêm thu nhập (từ cho thuê đất, làm thuê cho doanh nghiệp hoặc công việc khác) và vẫn là người có quyền sử dụng đất khi hết thời hạn cho thuê.
Thứ tám, hộ gia đình góp đất, chuyển giá trị đất thành cổ phần của doanh nghiệp, hộ gia đình trở thành cổ đông, đồng chủ sở hữu doanh nghiệp, đồng thời là người lao động trong doanh nghiệp. Hình thức này tạo quan hệ gắn bó, gắn kết lợi ích của hộ gia đình với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp giảm bớt chi phí thuê hay mua quyền sử dụng đất. Khó khăn, rủi ro đối với hộ gia đình góp đất tham gia hình thức này là doanh nghiệp trồng cây công nghiệp dài ngày, một số năm đầu chưa có thu nhập, lợi nhuận để chia cổ tức cho hộ gia đình hay doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên hộ không những có thu nhập mà có thể còn mất cả vốn góp (mất đất). Do đó, hình thức này hiện nay chưa nhiều, có một số doanh nghiệp thực hiện nhưng mức độ thành công khác nhau.
Một số vấn đề đặt ra: vấn đề hạn mức được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa; thị trường mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất chưa phát triển, công khai, minh bạch; tâm lý giữ đất còn phổ biến trong nông dân; doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức để vận động, thuyết phục các hộ cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết sản xuất với doanh nghiệp; tình trạng một số hộ không cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác; vấn đề sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp… (còn tiếp)
NVT