Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình nông dân thấy những lợi ích của tích tụ, tập trung đất đai, giới thiệu những mô hình, những điển hình thành công để mọi người học tập; vận động, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, uốn nắn kịp thời những sai sót, tổng kết, rút kinh nghiệm để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai thuộc địa bàn.
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật pháp, cơ chế, chính sách có liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật pháp, cơ chế, chính sách cần được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp và ngăn chặn những người lợi dụng tích tụ, tập trung đất đai để đầu cơ, kiếm lời; phát huy vai trò của cơ chế thị trường, đồng thời thực hiện đúng vai trò của quản lý nhà nước.
Trong điều kiện pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, do đó, có khả năng ngăn chặn được những hộ, doanh nghiệp dùng tiền mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ, tập trung được diện tích đất lớn nhưng mục đích không phải là để sản xuất nông nghiệp mà để thực hiện mục đích khác như chuyển thành đất xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp; pháp luật cũng ngăn cấm việc “phát canh, thu tô”, mua quyền lợi sử dụng đất rồi cho người sản xuất thuê lại, thì có thể bỏ quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho phép tích tụ, tập trung đất đai phù hợp với khả năng quản lý, sử dụng có hiệu quả của người nhận chuyển nhượng.
Bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cũng cần phải bỏ quy định “phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp” (Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội) đối với diện tích đất vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời cần đánh thuế vào những thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình, của doanh nghiệp không sản xuất, cũng không chuyển nhượng, không cho thuê đất để đưa vào sản xuất mà để hoang hóa; riêng đối với đất của doanh nghiệp, cần quy định thời hạn để đất hoang hóa; không sản xuất bao nhiêu năm thì phải thu hồi để thúc đẩy việc đưa đất vào sản xuất, chống đầu cơ.
Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các mục đích, nhu cầu khác nhau: đất công nghiệp, đất xây dựng đô thị, khu dân cư, các công trình phúc lợi xã hội, đất xây dựng kết cấu hạ tầng, đất quốc phòng, an ninh…, trong đó, có quy hoạch đất trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm quy hoạch sử dụng đất gắn kết, thống nhất với quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, ở các vùng, địa phương, phù hợp với sự thay đổi của tình hình đất nước trong từng giai đoạn. Quy hoạch khoa học, hợp lý, rỡ bỏ một trong những rào cản hiện nay, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai.
Phát triển thị trường chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất để việc chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất được thực hiện theo cơ chế thị trường. Giá cả chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất giữa các hộ, giữa các hộ và doanh nghiệp do thị trường xác định. Các hộ hay doanh nghiệp thuê đất công ích do thôn, xã quản lý thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất. Nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp là nguồn cung cấp thông tin về thị trường đất đai (những người muốn thuê, muốn mua, những người muốn cho thuê, muốn bán quyền sử dụng đất, diện tích, vị trí các thửa đất, chất lượng đất, thu nhập do thửa đất đem lại…) và đóng vai trò trung gian trên thị trường đất nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho các giao dịch, hạn chế phát sinh các tiêu cực.
Nhà nước vừa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, phát triển các trang trại, như tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiếp nhận, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý; khuyến khích sự liên kết giữa các hộ, trang trại, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…
Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển các viện, các trung tâm nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao các loại giống mới, các kỹ thuật, quy trình mới, các máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội ở nông thôn phát sinh cùng với việc tích tụ, tập trung đất đai. Đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là những lao động dôi dư để tạo điều kiện cho những lao động này chuyển đổi nghề nghiệp, tìm được việc làm mới ở nông thôn, các đô thị, các khu công nghiệp hay làm việc ở nước ngoài qua xuất khẩu lao động. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đa dạng các ngành nghề ở nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp đưa các cơ sở sản xuất về nông thôn, sử dụng lực lượng lao động đông đảo ở nông thôn, từ kế thừa, phát huy các ngành nghề, sản phẩm truyền thống của từng địa phương tới phát triển các ngành nghề mới, sản phẩm mới cần nhiều lao động, như may mặc, giầy da hay sử dụng các nguyên liệu tại địa phương như chế biến nông, lâm, thủy sản…
Để hạn chế tình trạng phân hóa xã hội quá mức, hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, cùng với nguồn lực của nhà nước, cần huy động sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp xã hội xây dựng hạ tầng an sinh xã hội đa dạng ngày càng hoàn thiện, có hiệu quả ở nông thôn, nhất là quan tâm tới phát triển bảo hiểm sản xuất nông nghiệp và bảo hiểm xã hội lao động nông thôn./.
NVT