Với người dân Việt Nam, việc mua sắm hàng hoá lâu nay vẫn luôn gắn với các chợ, cửa hàng tạp hoá bằng phương thức giao dịch trực tiếp kiểu “tiền trao cháo múc”. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình, nhiều người thay đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp sang hình thức mua sắm trực tuyến và thanh toán online.
Bên cạnh những tiện ích mang lại, hình thức giao dịch này cũng đang có nhiều lỗ hổng, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi bằng cách bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Kênh mua sắm tiện lợi
Chỉ với vài thao tác trên máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối internet, người dùng có thể thoải mái lựa chọn món hàng mình yêu thích, ở bất kỳ đâu mà không cần đến cửa hàng, tiết kiệm thời gian, công sức. Chỉ cần vài cái “click” chọn và đặt hàng, hàng hoá sẽ được giao đến tận nhà. Bên cạnh đó, hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử rất đa dạng, phong phú, người mua có thể thoải mái so sánh giá cả, chọn nơi nào có giá rẻ nhất để mua.
Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Sendo hay Lazada còn có nhiều chương trình khuyến mãi để mua sắm với mức giá chỉ bằng một nửa so với ngày thường. Nếu chịu khó “săn” thì người tiêu dùng sẽ mua được những mặt hàng mình yêu thích với giá rất hời.
Nở rộ kinh doanh Online
Nếu như trước đây, để bán hàng, người kinh doanh phải mở cửa hàng và đăng ký kinh doanh, vất vả bày biện hàng hoá để người tiêu dùng lựa chọn thì nay người bán chỉ việc đưa hình ảnh sản phẩm để khách lựa chọn, sau khi khách “chốt” mua, phía người bán sẽ nhập hàng rồi gửi cho khách. Gần như các giao dịch mua bán được thực hiện mà chẳng cần sự gặp gỡ nào giữa người mua và người bán.
Kinh doanh online có lợi là không cần mặt bằng, cũng không cần quá nhiều vốn để nhập hàng hoá về trưng bày. Tuy nhiên, để thành công lại không phải chuyện dễ, bởi công việc đòi hỏi người làm phải thực sự nghiêm túc, có sự nghiên cứu tìm hiểu về mặt hàng mình kinh doanh, nguồn cung chất lượng, uy tín. Bên cạnh đó, người bán phải tìm cách thu hút một lượng tương tác cao, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, mới bán được nhiều.
Môi trường kinh doanh hiện nay có sự cạnh tranh rất lớn “một người mua, mười người bán” nên bên cạnh việc kinh doanh tại cửa hàng, việc bán hàng thông qua các kênh mạng xã hội và một số sàn thương mại điện tử trở nên phổ biến. Ngay cả những hệ thống bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện ích có tiếng trên thị trường như: Co.opmart, Bách Hoá Xanh, FPT shop... cũng đang triển khai song song hai hình thức kinh doanh vừa bán hàng trực tiếp vừa bán trên các website để tận dụng mọi kênh tiếp cận khách hàng, nhằm đẩy mạnh doanh số kinh doanh- nhất là trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, việc kinh doanh trực tuyến nghe thì dễ nhưng không phải ai cũng trụ được. Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, người bán còn gặp tình trạnh bị “bom” hàng (đặt hàng nhưng khi giao lại không nhận), nhận hàng thật nhưng phản hồi là hàng kém chất lượng, đánh giá sao thấp, thậm chí phản hồi gay gắt khiến các sàn thương mại điện tử khoá hoặc xoá tài khoản của người bán.
Thận trọng khi mua hàng qua mạng
Không thể phủ nhận sự tiện lợi, nhanh chóng của hình thức mua bán trực tuyến đối với cả người mua lẫn người bán. Thế nhưng, trong thời gian qua cũng đã có không ít trường hợp khách hàng mua phải hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không giống như quảng cáo, thậm chí còn bị lừa đảo chiếm tài khoản, mất tiền nhưng không nhận được hàng.
Theo một số người có kinh nghiệm mua sắm hàng hoá trực tuyến, có rất nhiều phương thức lừa đảo trong bán hàng online, phổ biến nhất là kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, hàng hoá khi rao bán là thật nhưng khi giao cho khách lại là hàng giả, hàng nhái. Trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo còn yêu cầu người mua cung cấp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để sử dụng vào mục đích khác.
Do đó, khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng cần truy cập vào các sàn thương mại điện hoặc những website của những đơn vị kinh doanh uy tín để chọn mua. Ðồng thời, cần thận trọng khi có bất kỳ sự thay đổi phương thức đặt hàng hay giao dịch nào mà không phải thông qua những đơn vị này. Cần kiểm tra hàng hoá trước khi nhận để hạn chế trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả./.
Theo Tây Ninh online