Nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk đang bước vào vụ vải mới. Hương vải thơm ngát, vị vải ngọt ngào, và rất hút hàng, nhiều gia đình làm giàu từ quả vải đã trở thành niềm an ủi, vực dậy tinh thần nông dân trong cảnh thị trường của các nông sản chủ lực đều ảm đạm.
Người trồng vải ở huyện Ea Kar-Đắk Lắk thu nhập tiền tỷ nhờ trồng vải thiều Lục Ngạn... |
Để nâng cao hơn nữa giá trị từ cây vải, ngành nông nghiệp địa phương đang phối hợp với doanh nghiệp và người trồng từng bước xây dựng thương hiệu vải trở thành đặc sản trái cây của địa phương.
Dưới ánh nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, tại vườn vải sai trĩu quả đang thu hoạch, ông Nguyễn Văn Bình, thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cùng vợ con và gần 10 nhân công đang xếp những chùm vải vừa cắt từ cây vào thùng xốp chất lên xe vận chuyển bán cho các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, đầu năm 2011, trong một lần về thăm quê Lục Ngạn, thấy bà con trồng vải thiều cho thu nhập cao, ông mạnh dạn mua 100 cây giống "U Hồng" về trồng thử nghiệm trên rẫy. Nhờ tích cực học hỏi kỹ thuật chăm sóc mà cây vải ngày càng tươi tốt và cho ra nhiều quả.
Ông cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư chuyển đổi toàn bộ 5 ha cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng vải. Đến nay, mỗi ha cho thu hoạch trung bình 18-20 tấn quả/vụ. Với giá bán tại vườn hiện nay từ 32.000-35.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí ông lãi trên 1,8 tỷ đồng.
Cây vải giống "U Hồng" Lục Ngạn khá hợp với đất đai, khí hậu Tây Nguyên. |
Ông Bình chia sẻ, muốn trồng vải đạt hiệu quả thì ngoài áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cây, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh thì người trồng phải cho quả chín sớm, tránh trùng với chính vụ tại quê nhà Bắc Giang. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông đã áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, dùng dây kẽm thắt thân để cây ra hoa sớm, bón thúc phân chuồng để quả chín nhanh và đã thành công.
“Thời tiết và khí hậu ở đây nó hợp với cây vải thiều U Hồng. Đất pha cát ở huyện Ea Kar rất hợp để trồng vải. Cây cần ít nước, nắng nhiều thì quả càng ngọt. Cây vải ở đây rất dễ trồng, một năm chỉ cần bỏ phân 2 lần. Hiện một ha nhà tôi thu tầm 20 tấn quả. Giá được do cây chín sớm, tránh được cung vượt cầu khi vải ngoài quê chín rộ”, ông Bình nói.
Gia đình bà Hoàng Thị Ký, thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar cũng là hộ giàu lên nhờ trồng vải thiều. Bà Ký cho biết, thấy ông Bình trồng vải cho thu nhập cao, 6 năm trước gia đình cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng loại cây này.
Ban đầu vợ chồng bà chỉ trồng thử nghiệm vài chục gốc. Khi thấy cây phát triển xanh tốt, hợp với đất đai thổ nhưỡng trong vùng nên mạnh dạn đầu tư vốn chuyển đổi toàn bộ 2 ha điều, mía, sắn ... kém hiệu quả sang trồng hơn 500 cây vải. Đến nay, vườn vải cho thu đều đặn 650-700 triệu đồng/năm nhờ bán quả và cành giống.
“Ở Tây Nguyên trồng các loại cây hoa mầu không có thu nhập cao. Nhờ hàng xóm họ trồng vải nên mình trồng theo. Cây vải cho thu nhập cao hơn nhiều lần mà lại không tốn nhiều công chăm sóc, nước tưới. Một năm bỏ phân hai lần, mỗi lần tầm 2 triệu/1 ha. Ngoài ra chúng tôi bón thêm phân chuồng và nguồn này tận dụng từ phân bò của nhà. Nói chung trồng vải đầu tư ít, công chăm sóc đơn giản nhưng cho thu nhập tốt”, bà Ký cho hay.
Người trồng vải mong muốn xây dựng thành công thương hiệu vải Đắk Lắk. |
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty CP sản xuất dịch vụ Hương Cao Nguyên chuyên thu mua các loại trái cây ở Đắk Lắk, mỗi ngày doanh nghiệp thu mua của người dân khoảng 10 tấn vải xuất bán cho hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Chất lượng trái cây trong đó có vải của địa phương được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Vải Đắk Lắk được khách hàng đánh giá có hình thức bắt mắt với quả to đều, ăn có vị ngọt thanh, thơm mát và giàu vitamin C.
Bà Hương cho rằng, hiện nay vải Đắk Lắk chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa xuất khẩu nhiều ra thị trường quốc tế, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Để xuất khẩu, ngành chức năng cần hỗ trợ người trồng xây dựng thương hiệu vải riêng cho địa phương. Muốn làm được việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng trái cây bằng cách chuyển đổi mô hình hộ cá thể sang hợp tác xã; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap; xúc tiến thương mại, tìm đầu ra xuất khẩu cho sản phẩm....
“Người dân ở Đắk Lắk trồng vải từ trước tới nay là tự phát, đầu ra 100% thì phụ thuộc vào thương lái và chưa có sự liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp thu mua. Sản phẩm vải Đắk Lắk chưa có hộ nào được xây dựng tiêu chuẩn Vietgap, họ chưa có người đứng lên thành lập HTX hỗ trợ việc này. Tôi rất mong nhà nước sớm làm cầu nối hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp; hỗ trợ người trồng xây dựng tiêu chuẩn VietGap, truy xuất mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu vải cho địa phương để mở rộng thị trường xuất khẩu tăng giá trị kinh tế”, bà Hương nói.
Vải ở các huyện Ea Kar, MDrak được khánh hàng cả nước khá ưa chuộng. |
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 1.200 ha vải đang trong thời kỳ kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, MDrak, Buôn Đôn và Krông Ana. Sản lượng quả hàng năm ước đạt 200.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu nội địa gồm các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ông Hồ Tấn Cư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho biết, sau gần chục năm triển khai, đến nay cây vải cho thấy hiệu quả vượt trội so với các loại cây trồng khác. Để phát triển cây vải ổn định và bền vững tại các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih và Ea Đa, Phòng nông nghiệp huyện đã và đang hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn VietGap và đã có hàng trăm hộ đăng ký tham gia với diện tích lên tới trên 100 ha.
“Để liên kết để xây dựng thương hiệu vải cho địa phương, chúng tôi đang hỗ trợ người trồng thành lập các tổ HTX để sản xuất vải theo chuẩn VietGap; tiến tới đăng ký tham gia OCOP. Chúng tôi tổ chức tập huấn cho người dân thực hiện việc đóng gói sản phẩm, xây dụng hệ thống chỉ dẫn địa lý, trích dẫn nguồn gốc xuất sứ, chế biến sản phẩm vải khô sấy... để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản.... Ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cấp cao hơn hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực này”, ông Hồ Tấn Cư cho biết thêm.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, người nông dân phải thay đổi cách làm tự phát và tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết là điều tất yếu. Việc thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ và nông nghiệp, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị sẽ giúp việc xuất khẩu nông sản được thuận lợi, dễ dàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành phần tham gia. Với mặt hàng trái cây ở Đắk Lắk nói chung và vải thiều nói riêng cũng không thể đi ngược xu thế chung này./.
Theo VOV