Tiếp theo phần 1
Các biện pháp cụ thể gồm:
Một là, góp phần thúc đẩy quan hệ, hợp tác, xây dựng lòng tin với các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế. Thứ nhất, đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa tại các địa bàn, trọng tâm là các nước láng giềng, khu vực, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống, đồng thời mở rộng các khu vực có tiềm năng thúc đẩy quan hệ. Thứ hai, tăng cường lồng ghép linh hoạt, thực chất các hoạt động ngoại giao văn hóa trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước và trong chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước tới Việt Nam. Thứ ba, tiếp tục đưa ngoại giao văn hóa trở thành một nội dung quan trọng trong trao đổi tại các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Ủy ban liên Chính phủ, tham vấn chính trị, các đề án, chương trình phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như trong các đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại lớn của các cấp, các ngành và địa phương. Thứ tư, sáng tạo, đổi mới trong việc tổ chức các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các sự kiện văn hóa nhân dịp các sự kiện quan trọng như kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày Quốc khánh... góp phần đưa quan hệ đi vào chiều sâu, bền vững, tăng cường hữu nghị, tin cậy giữa Việt Nam với các nước, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Hai là, hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Thứ nhất, tích cực tham gia chủ động, trách nhiệm tại các tổ chức, diễn đàn văn hóa cấp khu vực và thế giới. Thứ hai, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng về văn hóa, giáo dục, khoa học... mà Việt Nam và các nước cùng quan tâm thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi quốc gia, khu vực và quốc tế. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa giữa các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sỹ, nhà báo, học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam với các nước, các tổ chức trên thế giới.
Ba là, quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Thứ nhất, tiếp tục triển khai các chương trình lớn về ngoại giao văn hóa qua đó góp phần định hình thông điệp quốc gia, toát lên hình ảnh Việt Nam là một đất nước văn minh, an toàn, tươi đẹp; văn hóa độc đáo, giàu truyền thống; phát triển năng động; con người thân thiện, mến khách; điểm đến đáng tin cậy để sinh sống, học tập, du lịch, đầu tư; đồng thời tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài tại địa phương qua đó góp phần xây dựng thương hiệu ngành nghề, địa phương. Thứ hai, tiếp tục tăng cường giới thiệu con người Việt Nam, thông qua hình ảnh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, cá nhân tiêu biểu, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường việc tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh các tư tưởng cao đẹp của Người, được cộng đồng quốc tế chia sẻ như thúc đẩy hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc, độc lập chủ quyền và hợp tác quốc tế. Thứ ba, quan tâm, phát hiện và tạo điều kiện để các cá nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia các cuộc thi khu vực, quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục...; xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức cơ bản về văn hóa, ngoại giao văn hóa với những người Việt Nam đi lao động, học tập, công tác trung và dài hạn ở nước ngoài... góp phần xây dựng hình ảnh người Việt Nam có văn hóa, tôn trọng pháp luật và có hiểu biết về văn hóa bản địa. Thứ tư, đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hàng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt. Thứ năm, tiếp tục tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa quốc tế có uy tín, tiến tới đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học, giáo dục, y tế... tầm khu vực và quốc tế; đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm văn hóa đặc sắc; chú trọng xuất bản và phổ biến ra nước ngoài các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, chất lượng; thúc đẩy giới thiệu ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục các dân tộc Việt Nam, các danh lam, thắng cảnh, các làng nghề truyền thống, các tác phẩm trên các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc... Thứ sáu, thực hiện hiệu quả Chiến lược Văn hóa đối ngoại, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam, Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; tiếp tục phát huy tổ chức các chương trình văn hóa lớn nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Thứ bảy, tiến hành xây dựng hình ảnh nhận diện mang đặc trưng văn hóa, kiến trúc Việt Nam tại trụ sở của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; thúc đẩy việc chuẩn hóa nghi lễ khánh tiết, trang phục, ẩm thực, quà tặng đối ngoại... trên cơ sở phù hợp với điều kiện của đất nước và văn hóa sở tại. Thứ tám, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhằm bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa do đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hoặc do chính quyền, người dân sở tại xây dựng như: không gian tín ngưỡng; ẩm thực Việt Nam; “Góc Việt Nam” tại các thư viện, bảo tàng; các khoa “Việt Nam học” tại các trường Đại học; các công trình, biểu tượng hữu nghị của Việt Nam và các nước.
Bốn là, vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế của Việt Nam. Thứ nhất, tiếp tục lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế đã được công nhận vào các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư... của các địa phương qua đó thúc đẩy việc giới thiệu và quảng bá các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa của đất nước; biến các danh hiệu này trở thành nguồn lực phát triển dựa trên việc bảo vệ các giá trị truyền thống và thiên nhiên tại các địa phương. Thứ hai, tiếp tục xây dựng, vận động công nhận mới các loại hình danh hiệu như: di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, khu dự trữ sinh quyển thế giới, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố vì học tập... Thứ ba, tăng cường xây dựng, đề xuất vinh danh các danh nhân, nhà văn hóa lớn của đất nước; rà soát, đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử về Việt Nam ở nước ngoài và các công trình văn hóa có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam.
Năm là, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thứ nhất, tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa nhằm đưa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hóa nhân loại; tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến thế giới vào Việt Nam, từ đó kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để hoàn thiện và phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam. Thứ hai, phản bác kịp thời, hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc, tuyên truyền không đúng sự thật về các lãnh tụ, danh nhân, lịch sử, văn hóa, đường lối chính sách, đất nước, con người Việt Nam. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng của những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam./.
TH