Trả lời (tiếp theo phần 1)
Bốn là, nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài
Thứ nhất, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài.
Thứ hai, nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển mạnh một vài đại học điểm của Việt Nam thành trường hàng đầu khu vực. Tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thứ ba, xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài có uy tín cao trên thế giới để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhu cầu và các chuẩn mực của khu vực, quốc tế.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ sát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc có cơ hội phát huy năng lực, sở trường.
Thứ năm, tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học xã hội và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp để thực hiện hiệu quả việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế sử dụng, quản lý vị trí việc làm, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, thống nhất để làm cơ sở bố trí đúng người, đúng việc và trọng dụng nhân tài.
Sáu là, tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế về nhân tài
Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thu hút, trọng dụng và phát triển nhân tài. Có chính sách thu hút các giảng viên là giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên thế giới tham gia giảng dạy; chủ trì nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Có chính sách thu hút các ngôi sao văn hóa, nghệ thuật; thể dục, thể thao và các tài năng lớn trong các lĩnh vực đến làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Thứ hai, chủ động hợp tác và tham gia các Diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ ba, tổ chức các chương trình mời gọi, thu hút nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc và hỗ trợ nhân tài hòa nhập cuộc sống ở Việt Nam.
Thứ tư, thành lập mạng lưới Nhân tài Việt Nam toàn cầu, mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu; tăng cường giao lưu trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với trí thức trong nước, tạo động lực trở về nước làm việc, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Bảy là, xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại
Thứ nhất, tổ chức học tập và thực hiện nghiêm quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, công bằng, dân chủ, thân thiện, nhân văn; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt; phát huy sức mạnh tập thể cùng với năng lực sáng tạo của nhân tài.
Thứ hai, tạo lập môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp với trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với nhân tài làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học xã hội.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; bảo đảm cơ hội phát triển, thăng tiến của nhân tài.
Thứ tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhân tài ở nước ngoài về nước làm việc, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình, thông qua các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cấp thị thực, cư trú và các thủ tục khác.
Tám là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài
Thứ nhất, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp để thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài. Tổ chức và duy trì chuyên mục thu hút, trọng dụng nhân tài trên các báo, đài, các trang điện tử và trên Cổng thông tin điện tử, tạp chí điện tử của các cơ quan, tổ chức và địa phương; chú ý nêu gương điển hình thành công về thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc để khuyến khích nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước, trở về nước làm việc, cống hiến. Chủ động có hình thức tuyên truyền phù hợp tại nước ngoài để mời gọi nhân tài ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng trang thông tin điện tử về “Thu hút, trọng dụng nhân tài Việt Nam” để kịp thời đăng tải chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài; giới thiệu chính sách nhân tài của các bộ, ngành, địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình đất nước, về cơ hội phát triển và thành công của nhân tài ở Việt Nam.
Thứ năm, tổ chức các Chương trình tôn vinh nhân tài Việt Nam hằng năm trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và trong phạm vi quốc gia; kịp thời khuyến khích sự cống hiến đóng góp của nhân tài thông qua tuyên dương, khen tặng, vinh danh và trao các giải thưởng cao quý. Xuất bản ấn phẩm về Nhân tài Việt Nam và định kỳ tiến hành cập nhật, bổ sung hằng năm.
Chín là, khuyến khích tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chính sách nhân tài và xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm chính sách nhân tài
Thứ nhất, ban hành quy định về cơ chế, chính sách và trách nhiệm bảo vệ nhân tài.
Thứ hai, khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích trong tiến cử, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; xử lý nghiêm hành vi cản trở, trù dập nhân tài.
Mười là, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thu hút và trọng dụng nhân tài
Thứ nhất, bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho hoạt động thu hút, trọng dụng nhân tài một cách thực chất thông qua những giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển nhân tài Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội, không vì mục đích lợi nhuận; có cơ chế hỗ trợ kinh phí để Quỹ phát triển nhân tài quốc gia hoạt động theo quy định của pháp luật.
Mười một là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tập hợp, vận động nhân tài ở trong nước và ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phản ánh các đề xuất, kiến nghị của nhân tài, nhất là nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách thu hút, phát huy nguồn lực nhân tài phù hợp với sự phát triển của đất nước.
N.D