Trả lời
Mười một nhóm nhiệm vụ, giải pháp (tiếp theo Phần 1)
Sáu là, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, cụ thể: Thứ nhất, hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Thứ ba, kiện toàn, phát triển hệ thống bảo tàng, đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ. Đầu tư xây dựng một số bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng chuyên ngành cấp trung ương và địa phượng; phát triển bảo tàng ảo. Xây dựng khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của bảo tàng tư nhân. Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản. Thứ năm, đổi mới và nâng cao hoạt động đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng ở trong nước và nước ngoài. Thứ sáu, thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu. Nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bảy là, hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, cụ thể: Thứ nhất, chú trọng hoàn thiện, đồng bộ cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa nhằm thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Thứ hai, có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… Thứ ba, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng. Khuyến khích hình thành các quỹ quy mô vừa và nhỏ trong hoạt động sáng tạo công nghiệp văn hóa. Thứ tư, nâng cao ý thức thực thi pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương. Thứ năm, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa độc đáo; hình thành cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Thứ sáu, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, một số sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa...; thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Tám là, chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, cụ thể: Thứ nhất, chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc; hỗ trợ các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia tổ chức các chương trình giao lưu quảng bá, giới thiệu văn hóa địa phương với các nước bạn. Thứ hai, chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, trong đó ưu tiên các địa bàn trọng điểm: Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Thứ ba, xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại trong thời kỳ mới để hỗ trợ quảng bá văn hóa, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Thứ tư, xây dựng Chiến lược ngoại giao văn hóa trong tình hình mới. Chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, cử người làm việc và ứng cử tại các cơ quan chuyên môn cửa các tổ chức này, Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc tế quy mô, uy tín. Hình thành đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao và hệ thống Trung tâm Văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu tiềm năng đất nước, văn hóa, con người với công chúng Việt Nam.
Chín là, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cụ thể: Thứ nhất, có chính sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ, theo chuẩn quốc tế cho hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Thứ hai, đổi mới phương thức đào tạo, hoàn chỉnh hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo cho các ngành văn hóa, nghệ thuật. Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, phù hợp bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ ba, khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy; thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên, tăng phụ cấp giảng dạy, phụ cấp biểu diễn cho giảng viên, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống, ngành hiếm, ngành khó tuyển sinh. Thứ tư, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số. Đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong các thiết chế văn hóa như: Nhà hát, thư viện, bảo tàng, thiết chế văn hóa - thể thao các cấp, đặc biệt là các thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ năm, Tăng cường giao lưu, trao đổi, đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo uy tín về chuyên môn tại nước ngoài. Xã hội hóa hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành văn hóa nghệ thuật.
Mười là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể: Thứ nhất, nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản, tổng kết lý luận, thực tiễn, dự báo xu thế phát triển văn hóa cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý văn hóa nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược phát triển ngành. Thứ hai, phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu tư xây dựng hệ thống thư viện công nghệ số cho các viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia; hệ thống dữ liệu thống kê của ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa nghệ thuật, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa; ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Thứ ba, tiếp tục đầu tư phát triển một số viện nghiên cứu, trường đại học về văn hóa, nghệ thuật theo mô hình tiên tiến thế giới để thực hiện nhiệm vụ tư vấn chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Phấn đấu có viện hàn lâm văn hóa nghệ thuật ngang tầm viện nghiên cứu tiên tiến của các nước trong khu vực. Nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo khoa học quản lý văn hóa tại các viện nghiên cứu và các trường đại học về văn hóa, nghệ thuật. Thứ tư, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật với các tổ chức nghiên cứu khoa học nước ngoài; đẩy mạnh công bố quốc tế các công trình khoa học về văn hóa, nghệ thuật. Thứ năm, khuyến khích nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật. Tiếp tục thực hiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành về văn hóa nghệ thuật; huy động trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu khoa học, tham gia đào tạo, hướng dẫn cán bộ trẻ.
Mười một là, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa, cụ thể: Thứ nhất, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho văn hóa. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật, huy động nguồn lực xã hội hóa, nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho các công trình, dự án ứng dụng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thứ ba, xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Để triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua danh mục 11 chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 11 chương trình, đề án, dự án do các bộ phê duyệt trong giai đoạn giai đoạn 2021-2030.
Thiên Hương