Hỏi: Xin cho biết giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII?
Trả lời
Thanh niên Việt Nam là lực lượng đông đảo, chiếm trên 1/3 dân số và trên 1/2 lực lượng lao động xã hội. Khoản 1 Điều 4 Luật Thanh niên Việt Nam năm 2020 xác định: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1).
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”(2). Đây là điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát huy vai trò, tài năng, sức lực và trí tuệ của tuổi trẻ, khẳng định bản thân, trưởng thành và cống hiến cho đất nước.
Để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau(3):
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Đoàn Thanh niên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu, phải thường xuyên nắm bắt, định hướng và kiểm tra, phân công đảng viên có năng lực phụ trách công tác thanh niên; lãnh đạo Ðảng, chính quyền các cấp thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng cho thanh niên noi theo. Trong chương trình công tác định kỳ, mỗi cấp ủy cần có kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên. Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của toàn Ðảng cũng như mỗi tổ chức cơ sở đảng. Đảng viên phải là những tấm gương sáng về mọi mặt, “nói đi đôi với làm”, để giáo dục thanh niên học tập và noi theo.
Thứ hai, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện các kỹ năng xã hội, tham gia xây dựng đời sống văn hóa; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn - thể - mỹ; phát huy tính tích cực xã hội của thanh niên; sống trung thực, trách nhiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc; tham gia giám sát, phản biện xã hội. Thanh niên phải tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, phòng, chống ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổ chức tốt các hình thức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng xã hội, nhân rộng mô hình, từ đó, khuyến khích động viên và tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên tự học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng để thích nghi với môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Ngoài ra, tổ chức đoàn thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho thanh niên. Bởi, sự lớn mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc trong tương lai phụ thuộc vào chất lượng của công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện tại.
Để làm được điều này, trước hết, cần quan tâm giáo dục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm trang bị cho thanh niên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chú trọng giáo dục cho thanh niên nhận thức đúng các giá trị chân - thiện - mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần “mình vì mọi người”, “thương người như thể thương thân”; phát huy tinh thần của tuổi trẻ, theo lời dạy của Bác: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên không chỉ dừng lại ở những buổi giảng trên lớp, mà cần thường xuyên tiến hành các hình thức trao đổi, tọa đàm, đối thoại, tranh luận, diễn đàn,... Qua đó, giúp họ nhận thức đúng bản chất của các vấn đề, biến những tri thức tiếp nhận được thông qua các hình thức giáo dục này thành tài sản riêng của mỗi người. Mặt khác, cần làm tốt phong trào tuyên truyền, phổ biến các tấm gương anh dũng, gương người tốt, việc tốt với tinh thần “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4). Từng bước hình thành cho thanh niên lối sống trong sạch, lành mạnh, hành vi đạo đức trong sáng, phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại (còn tiếp)/.
Ngọc Cảnh