Giao dịch tại chi nhánh Agribank Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tín dụng đảo chiều, thoát tăng trưởng âm
Sau khi âm 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 3/2024, tín dụng tăng 1,34%. Trước đó, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%).
Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều địa phương có những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh của một số ngành như có đơn hàng sản xuất, công nhân trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao, nhiều thông tin tuyển dụng, xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục thực hiện tốt.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, cộng đồng DN đã bắt đầu quay trở lại tập trung sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, DN xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực về đơn hàng.
NHNN cũng đánh giá kinh tế có tín hiệu phục hồi khá tích cực, thể hiện ở xu hướng tăng mạnh về xuất khẩu, vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ. Do đó, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3.
Ngoài yếu tố thuận lợi về môi trường và tăng trưởng kinh tế - xã hội, theo đại diện NHNN, yếu tố chính sách tiếp tục giữ vai trò quan trọng và là điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tín dụng, tiếp cận theo phía cầu. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn, các ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi. Hầu hết các ngân hàng đều tung các gói vay ưu đãi từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm dành cho khách hàng cá nhân và DN.
NHNN cho biết trong quý I/2024, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn. Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN. NHNN cũng tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản và thủy sản sẽ tăng lên 30.000 tỷ đồng thay vì 15.000 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu...
Lãi suất còn cao
Điều tra của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) về xu hướng kinh doanh quý II/2024, các TCTD dự báo huy động vốn toàn hệ thống tăng 3,5% trong quý II/2024 và tăng 9,9% trong năm 2024. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 3,8% trong quý II/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024.
Đánh giá khả năng hấp thụ vốn của DN và người dân, đại diện HDBank cho rằng, môi trường lãi suất thấp mở rộng, kinh tế Việt Nam đã cho thấy hướng tăng trưởng khả quan trong quý I năm nay, đặc biệt đà tăng trưởng khá mạnh về xuất nhập khẩu và du lịch, sự phục hồi đang dần gợi mở trên thị trường bất động sản...
"Chúng ta cũng thấy Chính phủ đã vào cuộc nhanh chóng để tháo gỡ những vướng mắc trên các thị trường, trên các lĩnh vực, chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công" - đại diện HDBank nói.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay vẫn sẽ là thách thức. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhu cầu vốn của DN vẫn thấp. Hơn nữa, lãi suất cho vay ở thị trường Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước. Với chi phí vốn cao nên lâu nay, DN Việt Nam thường yếu hơn, sức cạnh tranh kém hơn so với DN nước ngoài.
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế đánh giá, tiềm lực tài chính của Việt Nam vẫn phải dựa vào tín dụng ngân hàng. Năm nay, NHNN đã giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên 14 - 15% ngay từ đầu năm, là một tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, có khá nhiều DN không có nhu cầu vay vốn. Khu vực có nhu cầu vay vốn lớn nhất là các dự án bất động sản, hiện có hàng nghìn dự án bất động sản ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là một nơi thu hút vốn rất lớn, nhưng nếu không giải quyết được thủ tục pháp lý thì khó có thể thuyết phục được ngân hàng giải ngân vốn.
Trên thực tế, dù tín dụng tăng trở lại từ tháng 3 nhưng có sự phân hóa giữa các tổ chức tín dụng rất khác nhau. Các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối như BIDV, Vietcombank, VietinBank đều ghi nhận mức tăng trưởng khác nhau.
Trái lại, nhóm chuyên cho vay DN như LPBank, OCB, HDBank, Techcombank lại có mức tăng trưởng tích lũy khá cao nhờ chiến lược linh hoạt. Tuy nhiên, có một số ngân hàng gặp khó khăn do lo ngại về nợ xấu và nhu cầu vay tiêu dùng cũng còn rất yếu. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng của 28 ngân hàng trong hệ thống ở mức khoảng 2% trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên tổng số nợ xấu tăng đến 14% về quy mô.
DN bất động sản hiện nay không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để mang ra vay vốn, trong khi đó các ngân hàng thương mại đều yêu cầu phải có tài sản bảo đảm, do đó khó để vay vốn.
Các cơ quan nhà nước cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu
Nhiều DN cũng cho biết bên cạnh không dám vay vốn vì lo không có đơn hàng, còn có vấn đề khó tiếp cận vay vốn dù nhiều chính sách được đưa ra. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn pháp lý cũng chính là khơi thông nguồn vốn.
Doanh nghiệp vẫn khó vay
Một điều nữa mà các chuyên gia muốn nhấn mạnh cho hoạt động tín dụng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nước trong năm nay, đây là năm có rất nhiều biến động về địa chính trị trên toàn cầu, cũng như là những thay đổi về chính sách tiền tệ của các quốc gia.
Đặc biệt, những biến cố quân sự tại Ukraine, tại Trung Đông và những chính sách tiền tệ của Mỹ, của các nước Tây Âu sẽ tạo nên những khủng hoảng, thay đổi về chính trị cũng như tình hình kinh tế thế giới.
Chính vì thế, Việt Nam cần phải có những phương án. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thứ nhất, Chính phủ cần phải có một kế hoạch để đối phó với những chuyển biến những khủng hoảng trên thế giới. Thứ hai, các DN cần phải có những kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể ứng biến với những kịch bản khác nhau, kịch bản đó dựa trên những giả định về lãi suất, về tình hình kết quả kinh doanh của DN. Những giả định đó dựa trên những thay đổi về tỷ giá và những thay đổi về vấn đề nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ngân hàng, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán.
Để giải quyết vấn đề tăng trưởng tín dụng, theo TS Lê Xuân Nghĩa, các TCTD cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khống chế rủi ro để giảm lãi suất cho vay, bằng cách sử dụng vốn theo phương án vay và cấp tín dụng theo sức hấp thụ thực tế của khách hàng. Điều này sẽ tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ người dân và DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống. Cần duy trì công khai mặt bằng lãi suất, tiết giảm chi phí, đơn giản thủ tục và ứng dụng công nghệ để góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ngành ngân hàng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, góp phần thúc đẩy các dòng tín dụng thị trường và tạo sinh thái sản xuất, kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ khách hàng.
Các DN đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6 - 7%, còn với các DN nhỏ vay với lãi suất 8 - 8,5%. Tuy nhiên, lãi suất được điều chỉnh trong một khoảng thời gian nhất định, tùy theo chương trình tín dụng của từng ngân hàng. Hiện có thông tin các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng thực tế các DN khó tiếp cận các gói này. Các DN đề xuất nếu có các gói ưu đãi thì cần rà soát tính hiệu quả, đối tượng nào đã nhận được để DN rút kinh nghiệm với mục tiêu sau này tiếp cận được - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Tô Thị Tường Lan./.