Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5, tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,34 triệu tỷ đồng nhưng cho vay ra lại rất thấp. Ông nhận xét gì về hiện tượng này. Như vậy có phải phí nguồn lực vốn khi không đi vào nền kinh tế hay không?
- Dù lãi suất có xu hướng giảm song, người dân vẫn chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng để bảo đảm an toàn trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém. Trái phiếu DN chứng khoán, bất động sản đang đình trệ, nên họ chỉ tập trung vào kênh tiền gửi tiết kiệm nhằm bảo đảm nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai.
Cũng vì sức khỏe DN còn yếu nên các ngân hàng đang thừa vốn nhưng không thể cho vay ra được. Tính đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,3% (giảm so với tháng 6), nghĩa là tín dụng tháng 7 tăng trưởng âm.
Sau một thời gian kinh tế khó khăn, mức độ rủi ro tăng cao hơn, doanh thu suy giảm, đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...
Kinh doanh của họ không phát triển thì họ không vay vì càng vay càng nợ nần nhiều. Việc tiếp cận tín dụng của DN vừa và nhỏ còn khó khăn hơn do các khách hàng này có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...
Từ đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống, và lượng tiền đi vào trong lưu thông vẫn chưa được cao.
Hiện nay, thanh khoản của các NHTM rất dồi dào, các ngân hàng cho biết đã hạ lãi suất cho vay khá nhiều, nhưng DN vẫn than khó tiếp cận vốn và lãi suất vẫn cao. Ông đánh giá tình hình lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng thế nào? Còn dư địa giảm lãi suất nữa hay không?
- Mặt bằng lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến nhiều DN suy giảm sản xuất, kinh doanh và thua lỗ, làm phát sinh nợ xấu mới. Tôi cho rằng dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Tuy nhiên nó còn liên quan đến chính sách ngoại hối. Đây là lúc khả năng tăng lãi suất của Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) còn để ngỏ. Nếu họ tăng lãi suất sẽ khiến bất lợi tỷ giá trong nước. Nếu giảm lãi suất nhiều giá trị tiền đồng giảm xuống làm tăng tỷ giá tạo ra bất ổn trên thị trường ngoại hối.
Tôi nói có dư địa có nghĩa là các ngân hàng đang ế vốn, với những ngân hàng không cho vay ra được, họ sẽ phải giảm lãi suất. Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.
Về phía NHNN, tôi nghĩ cơ quan điều hành sẽ phải theo dõi cuộc họp của Fed trong tháng 9 này. Nếu Fed không tăng lãi suất thì việc giảm lãi suất của NHNN là khả thi.
Theo ông lãi suất là bao nhiêu là hợp lý để phù hợp với tình hình kinh tế và sức khỏe của DN hiện nay?
- Hiện nay, với những DN lớn, sức khỏe tốt thì mới được hưởng lãi suất thấp. Tuy nhiên, với những DN vừa và nhỏ, rủi ro cao hơn họ phải chịu lãi suất rất cao. Tôi cho rằng, với lãi suất huy động liên tục giảm và kéo tỷ lệ lạm phát xuống thì lãi suất cho vay có thể khoảng 7% là hợp lý.
Thông tư số 10/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN của NHNN có nhiều điểm mới như có tạo hành lang pháp lý, khiến tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong giải ngân đối với các ngân hàng hay không?
- Những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng cao trên tổng dư nợ được cho là sẽ hưởng lợi khi NHNN sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản.
Thông tư mới ban hành tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng ưa thích cho vay lĩnh vực bất động sản. Đơn cử như: các ngân hàng có thể cho vay đối với người đi mua bất động sản chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng), nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý.
Hay ngân hàng cũng được cho người dân và DN có thể vay vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Việc không còn bị kiểm soát vay ngân hàng từ 1/9 sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây. Thông tư mới ban hành có thể tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc sửa đổi này có thể làm tăng rủi ro cho hệ thống. nếu các ngân hàng cho vay bất động sản quá nhiều trong khi thiếu sự giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu.
Cần nới lỏng điều kiện cho vay một cách hợp lý
Có ý kiến cho rằng, ngân hàng cũng là DN, nếu huy động vào không cho vay được bản thân ngân hàng cũng khó. Vậy ngân hàng có nên hạ chuẩn tín dụng không?
- Chiến lược tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục phân hóa mạnh mẽ giống như nửa đầu năm qua. Có ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, nhưng cũng có nơi tăng trưởng rất thấp so với mức trung bình toàn ngành.
Không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ đến cuối năm, mà còn phải dựa trên chất lượng tín dụng.
Vấn đề hạ chuẩn tín dụng sẽ tạo ra rủi ro rất lớn cho ngân hàng, cuối cùng phải gánh nặng nợ xấu. Nhưng nếu không hạ chuẩn tín dụng thì không cho vay ra được và ngân hàng thừa tiền.
Nới lỏng điều kiện cho vay một cách hợp lý để tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn, thay vì vay thế chấp tài sản bảo đảm thì vay tín chấp, hoặc dựa vào đơn hàng…; để giải quyết trường hợp này Chính phủ phải can thiệp, phải có chương trình bảo lãnh cho DN vay vốn. Khi Chính phủ bảo lãnh thì rủi ro sẽ thấp và các ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn vấn đề cho vay.
Phải đảm bảo nguyên tắc không để "đồng tiền dễ dãi". Bởi, nếu như điều chỉnh quá mức thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi" tài sản tài chính. Khi đó, mục tiêu của các chính sách nhằm hỗ trợ khôi phục kinh tế tăng trưởng không những không hiệu quả, mà còn khiến nền kinh tế đối mặt với vấn đề nợ xấu hay các hệ lụy khác trong tương lai.
Ông đánh giá sao về quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DN nhỏ và vừa có bảo lãnh của quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương hiện nay?
- Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương hiện nay rất nhỏ bé và không hiệu quả. Do đó tôi đề nghị Chính phủ phải lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia và vốn bảo lãnh phải tăng lên rất nhiều để có thể bảo lãnh cho nhiều DN, giải quyết được tình trạng vốn có mà không cho vay được.
Bản thân các DN cũng phải tích cực hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng, các dự án khả thi, chủ động tiếp cận các cơ chế chính sách, cũng như sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng để phục hồi và tăng trưởng.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tìm kiếm và phát triển thị trường để mở rộng đầu ra cho hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ ách tắc về giải ngân đầu tư công để tạo sức lan tỏa và động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù các ngân hàng kích cầu nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% khó đạt được?
- Tôi cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12 - 13% là phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều thách thức trong và ngoài nước. Không phải đẩy tín dụng bằng mọi giá mà cần cân đối với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, bảo đảm cả số lượng và chất lượng.
Xin cảm ơn ông!