Cần có cơ chế để HTX lớn mạnh
Để thích ứng trong giai đoạn mới, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay dù HTX đã có chiến lược phát triển trung dài hạn, nhưng vẫn có sự linh hoạt trong từng giai đoạn. "Hiện nay, chúng tôi không đặt cược vào viễn cảnh của nền kinh tế sẽ như thế này hay thế khác, không đặt cược rằng điểm rơi sẽ ở trong quý này hay quý kia, mà tập trung vào hành xử của mình với tình hình. Với nỗ lực cao nhất, chúng tôi muốn hạn chế rủi ro ở mức cao nhất”, ông Sơn nói tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam vừa diễn ra.
Lãnh đạo Saigon Co.op chia sẻ những giải pháp đã và đang thực hiện để vượt qua khó khăn, đó là tăng cường và củng cố các vấn đề mang tính nội lực. Theo đó, vốn quý nhất của Saigon Co.op là nguồn lực người lao động. Sắp tới, Saigon Co.op sẽ thông qua các HTX quốc tế rất mạnh để đưa lao động bán lẻ của Việt Nam đi học tập ở thị trường nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực và kiến thức.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op sẽ tập trung vào các giải pháp công nghệ, trong đó có số hóa và chuyển đổi số, tìm kiếm các cơ hội mới, mở rộng hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là với các HTX. Cụ thể là tiến hành đa dạng hóa các nguồn sản phẩm sản xuất từ các đối tác HTX thông qua xây dựng vùng nguyên liệu lớn.
Cùng với đó, đại diện Saigon Co.op cho biết sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng pháp luật và thể chế. "Saigon Co.op là đơn vị kinh tế tập thể hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Thay mặt cộng đồng HTX, chúng tôi kiến nghị xây dựng Luật Hợp tác xã để không chỉ tạo điều kiện để tồn tại và phát triển, mà còn có cơ chế để HTX trở thành "người lớn", đủ sức cạnh tranh", ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, nhấn mạnh tới việc nghiên cứu chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, đặc biệt luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp, và tạo ra những sản phẩm mang tính khác biệt là những kinh nghiệm để doanh nghiệp này vượt qua thách thức, thích ứng với những thay đổi của thị trường...
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, từ năm 2020 – 2021, tập đoàn này phải định hình lại chiến lược hoạt động, xác định lĩnh vực bán buôn có nhiều yếu tố bên ngoài tác động, đơn cử như thời điểm vừa qua là chiến tranh Nga – Ukraine, thay đổi về các quy định của thị trường vốn, tỷ giá tăng... Những yếu tố này khiến doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp lĩnh vực bán buôn, tập trung đầu tư cho mảng nông nghiệp và chăn nuôi.
“Chúng tôi biết là đang chọn ngành khó, hơn nữa còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI khiến ban lãnh đạo tập đoàn cũng có nhiều trăn trở”, ông Nguyễn Chánh Trung chia sẻ. Tóm tắt lại của quá trình chuyển đổi của Tân Long, ông Nguyễn Chánh Trung nhấn mạnh, đó chính là “nghiên cứu chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn”, cụ thể, chủ động thu hẹp lĩnh vực bán buôn bởi có nhiều yếu tố khó kiểm soát, thay vào đó tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cùng với xây dựng thương hiệu.
Đơn cử, với sản phẩm gạo A AN, khi đưa vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp đã cố gắng tăng thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm, tương tự với lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự sáng tạo như vậy.
“Ở Tân Long luôn có tinh thần khởi nghiệp, bởi vì chúng tôi phải tự bán, tự phân phối sản phẩm của mình, vì thế phải tạo ra sự khác biệt. Trên thị trường chúng ta thấy đã có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã làm điều này từ 20 năm nay. Chúng tôi mới đang ở top 5, nên tập đoàn đang có định hướng trong năm 2023 sẽ lọt vào top 3, thậm chí là top đầu với quy mô đàn heo khoảng 6 triệu con”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long kỳ vọng.
Tận dụng ‘cơn gió xuôi’
Với ngành dệt may, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều năm qua. Để vượt qua một năm đầy khó khăn, đại diện Vinatex nhấn mạnh cần thực hiện 5 mục tiêu kiên định. Cụ thể, kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi chỉ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu với tư cách thành viên chính thức thì mức độ bấp bênh, sụt giảm trước những biến động của thị trường sẽ luôn thấp hơn ngoài chuỗi.
Cùng với đó, kiên định xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để Vinatex trở thành một điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác. Xu thế của thế giới hiện nay là khách hàng muốn tiếp xúc với những đối tác có thể làm từ đầu đến cuối và cắt đi các khâu trung gian. Nếu có hệ thống sản xuất hoàn chỉnh thì Vinatex sẽ có một bước tiến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội; Kiên định về chuyển đổi số và tự động hóa và kiên định trong phát triển nguồn nhân lực và con người để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và giao dịch số”, đại diện Vinatex chia sẻ.
Đáng chú ý, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo u ám nhưng cũng đang có những tín hiệu mới, kỳ vọng sẽ xoay chiều cục diện. Lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2023, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, cho rằng bên cạnh những "cơn gió ngược" đã thổi từ năm 2022 và tiếp tục sang 2023, đã có những "cơn gió xuôi" thực sự xuất hiện. Việc mở cửa của Trung Quốc có thuận lợi cho nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu của Việt Nam song thách thức là các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thêm vào đó, với thị trường ASEAN, chuyên gia ADB cho biết, trong khi các khu vực lớn trên dự báo suy thoái thì khu vực châu Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan, đặc biệt là khu vực ASEAN. "ASEAN vẫn là thị trường lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đây là "cơn gió xuôi" rất mạnh và rất có tiềm năng", ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.
Ông Trần Thanh Hải Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao, dẫn tới nhu cầu ở thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là EU, Mỹ suy giảm. Thêm vào đó, các quốc gia gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, đánh thuế carbon... dự kiến sẽ thêm hàng rào mới đối với xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động nội địa hóa sản phẩm, sử dụng kênh thương mại điện tử để tìm kiếm thêm đầu ra; cơ quan Nhà nước cần thông tin thêm về thị trường để cùng nhau thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và quản lý nhập khẩu phù hợp, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông Nguyễn Xuân Thành Đại học Fulbright Việt Nam Việc Trung Quốc mở cửa sẽ đem tới cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, Trung Quốc mở cửa sẽ tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam. Vấn đề còn lại là chúng ta cần chủ động để tận dụng những cơ hội này. Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2022 nhưng vẫn có “cửa hẹp” để Việt Nam phát triển. Ông Trần Đình Thăng Giám đốc công ty TNHH Nhật - Việt (thương hiệu Vento - Hải Phòng) Để vượt qua “cơn bão” thị trường lớn giảm cầu, sản phẩm cần phải đạt chuẩn về mẫu mã, giá, tương tác… Chúng ta nghĩ rằng sản phẩm mình đẹp nhưng còn những chuẩn khác như giá, mẫu mã liệu đã đáp ứng với khách hàng chưa? Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu. Doanh nghiệp muốn có đơn hàng thì không thể làm xấu được. |