Khép lại năm 2021 với bao mất mát, đau thương. Dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 quay lại bùng phát và tàn phá khốc liệt. Việt Nam giống một cơ thể vốn còn đang ốm yếu nay thêm bệnh nặng, những thiệt hại về người và kinh tế không thể đong đếm, hàng triệu người đã có những trải nghiệm “chưa từng có”.
Hàng không, du lịch và dịch vụ là những mặt hàng chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Sau gần 2 năm chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp du lịch không thể cầm cự được, buộc phải để nhân viên nghỉ việc, đóng cửa công ty.
Chẳng ai có thể ngờ được rằng có một ngày, những từ và cụm từ kiểu như “giãn cách, cách ly, phong tỏa, hồi hương, đứt gãy, bóc tách, vùng cam, xanh, vàng, mỗi gia đình/địa phương là một pháo đài”, ai ở đâu, ở yên đó, chống dịch như chống giặc… lại trở thành thông dụng đến mức cả xã hội, thậm chí đến cả em bé cũng hiểu.
Thực ra chẳng có gì bình thường cả, khi trẻ em học online, gần đây khối lớp 9-12 mới được đến trường. Trẻ em vẫn bị nhốt ở nhà, cha mẹ thì bữa đi làm, bữa thành F0; người già run run chen chân tiêm mũi 3… trước làn sóng Omicron mới. Dòng người vẫn đổ về trung tâm đông đúc xem countdown đón năm mới và nỗi lo lây nhiễm vẫn còn đó.
Nghị quyết số 128/NQ-CP được đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp “cởi trói” tinh thần cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: Internet
Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, vì đó là dòng chảy không thể cưỡng lại được. Nếu như người dân không thể đợi hết COVID-19 để quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ở cấp độ quốc gia, Chính phủ cũng xác định thay đổi tư duy chống dịch. Chính phủ quyết định không theo đuổi chính sách “zero Covid”, đã đến lúc phải thích ứng an toàn khi diện bao phủ vaccine đã khá rộng trên toàn quốc.
“Phòng chống dịch phải gắn với phát triển kinh tế- xã hội. Đó là hai mặt gắn bó hữu cơ. Chúng ta phòng chống dịch tốt thì chúng ta mới mở cửa được nền kinh tế. Và khi đã mở cửa được nền kinh tế thì chúng ta mới có tăng trưởng, cân đối được thu chi và có nguồn để chống dịch”- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ.
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời ngày ngày 11/10/2021 đã chính thức đánh dấu một giai đoạn mới trong công tác chống dịch: Từ phong tỏa, giãn cách kéo dài đến nới lỏng, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi kinh tế xã hội.
Nghị quyết 128 đã thể hiện rất rõ ràng tư duy chống dịch: thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cân bằng giữa chống dịch và sản xuất kinh doanh. Qua đó, người dân, doanh nghiệp có thể dự liệu trước và chuẩn bị kế hoạch cho mình, khác hẳn với thời điểm chưa có Nghị quyết, người dân, doanh nghiệp luôn thấp thỏm không biết mở cửa rồi sẽ đóng cửa lúc nào.
Sự thay đổi đó là mấu chốt, khi tư duy chống dịch không bị máy móc như ban đầu, khi rốt cuộc người ta cũng hiểu ra COVID-19 chẳng phải là hàng rào ngăn cách con người với con người.
COVID-19 cũng không phải là dịp để những kẻ tham lam mà độc ác làm giàu từ kit test từ bệnh tật của đồng loại; cũng chẳng thể độc quyền ban phát vaccine, thậm chí cả khi vaccine quá đát.
Năm 2021 cũng là năm biến động khi không ít quan chức cấp cao bị vào tù hay vướng vòng lao lý… cho thấy rồi những vụ tham nhũng nào cũng phải ra ánh sáng.
Năm 2021 khép lại với mức tăng trưởng dương 2,58%. Báo chí và chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam và cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng cao trong năm 2022.
Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra mới đây, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư trực tiếp hàng đầu thế giới.
Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đều đánh giá, nhờ hệ thống thương mại quốc tế được mở cửa và sự điều chỉnh chính sách hợp lý của Chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cán cân thương mại của Việt Nam được cải thiện, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Người dân qua cơn hoạn nạn càng quý những giây phút bình an, khỏe mạnh bên người thân, càng tìm cách đùm bọc giúp nhau hơn. Qua đỉnh dịch, phẩm chất của người Việt Nam ngời sáng.
Có thể nói, năm mới trong “bình thường mới”, ngoài chữ “hồi sinh”, còn là “sứ mệnh” vượt lên dịch bệnh, từng bước khôi phục kinh tế xã hội. Đây là nhiệm vụ không chỉ Chính phủ, mà toàn thể Nhân dân phải cùng nhau đoàn kết, đồng lòng thực hiện.
Sông Hàn (theo Diễn đàn doanh nghiệp)