Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 5-1 có tới 14 Ủy viên Bộ Chính trị dự và chủ trì hội nghị, trong đó có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ… Có thể thấy rất rõ tinh thần quyết tâm thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tại hội nghị quan trọng này.
Mọi nhận định tại hội nghị đều cho rằng, tình hình năm 2024 tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023. Do đó, Chính phủ đã xác định năm 2024 có chủ đề “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” với tinh thần “năm quyết tâm”.
Đó là quyết tâm thực hiện “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.
Trong năm 2024, Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính, khẩn trương hoàn thành vị trí việc làm, triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách tiền lương; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng ít nhất 5%; phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025, trong năm 2024 hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm hoàn thành toàn bộ 7 mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế, 16 chỉ tiêu về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Năm 2023, dù khó khăn như vậy, nhưng nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Thanh Hóa… tiếp tục phục hồi và là điểm sáng trong thu hút đầu tư. GRDP của nhiều tỉnh thành đạt mức tăng trưởng khá cao như Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nam Định. Một số địa phương ở vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh…
Kết quả này cần tiếp tục được phát huy thật tốt trong năm 2024, như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi tới hội nghị Chính phủ hôm qua, giao nhiệm vụ cho Chính phủ không được chủ quan, thỏa mãn mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 có kết quả cao hơn năm 2023. Nhưng muốn thế, cũng cần có sự “cộng hưởng” lực hai chiều từ cả phía Trung ương và địa phương, như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã phát biểu tại hội nghị, nếu Trung ương tập trung giúp TPHCM tháo gỡ những khó khăn hiện tại, thành phố sẽ sớm giải phóng các nguồn lực và có điều kiện tăng tốc trong năm 2024.
Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế; chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong kéo dài nhiều năm… Do đó, nếu không thực sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh thì khó mà đạt được những kết quả toàn diện. Vì vậy, nêu quyết tâm là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là vẫn phải biến quyết tâm đó thành hành động ngay từ đầu tháng, đầu năm, không để những quyết tâm đó chỉ dừng lại ở khẩu hiệu và nằm trên giấy.
Nguồn SGGP