Còn gần 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây sẽ là một cái Tết cổ truyền "rất khác" khi lần đầu tiên chúng ta đón Tết trong trạng thái "bình thường mới" - sống chung với một loại virus vô hình.
Sau 2 năm ứng phó với các đợt dịch bùng phát, để lại không ít mất mát, Tết năm nay, niềm vui sẽ không trọn vẹn với nhiều gia đình - những gia đình có người qua đời vì COVID-19, hay những người ở xa không thể trở về để có một cái Tết đoàn viên đủ đầy…
Tuy nhiên, cùng với sự chuyển động của thời gian và yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống vẫn phải diễn ra, sự sống vẫn phải hồi sinh. Khả năng thích ứng là bản năng và cũng là kỹ năng sinh tồn của con người.
Theo đó, năm 2022 đánh dấu sự thích ứng và phục hồi. Không có cách nào khác là phải sống chung an toàn với dịch chứ không thể đóng cửa mãi, dù số ca nhiễm cộng đồng được ghi nhận mỗi ngày vẫn còn nhiều và biến thể Omicron đang gây ra nhiều lo ngại, mà chính Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khuyến cáo rằng không nên coi Omicron là biến thể nhẹ.
Theo xu hướng chung của thế giới, với Nghị quyết số 128/2021/NQ-CP của Chính phủ ngày 11-10-2021 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", nước ta chuyển sang chiến lược chống dịch hoàn toàn mới.
Nghị quyết 128 là cơ sở để các địa phương dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các chính quyền địa phương; sự thay đổi về tư duy, nhận thức và cả thói quen của mỗi người dân được coi là những thay đổi phù hợp với trạng thái "bình thường mới".
Trong những ngày đầu năm mới 2022, ở những nơi đủ điều kiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì, hàng quán và dịch vụ vẫn mở cửa, nhằm hạn chế mọi sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất… cũng thay đổi chiến lược, kế hoạch, phương thức làm ăn, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa sẵn sàng các phương án trong trường hợp người lao động trở thành F0. Đường phố không còn vắng vẻ, nhà nhà không còn cửa đóng then cài; khẩu trang trở thành người bạn đồng hành của mọi người; cấp độ dịch được đánh giá ở quy mô nhỏ nhất để áp dụng các biện pháp y tế phù hợp; cách thức xác định F1 cũng được thay đổi; một số địa phương đang áp dụng điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng ở nhà nhằm giảm gánh nặng cho ngành y tế và tạo tâm lý thoải mái cho người mắc COVID-19…
TPHCM xem việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn, mà cần đếm số ca tiếp nhận điều trị, trong đó bao nhiêu ca điều trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng và đặc biệt là số ca tử vong để có những biện pháp điều trị mạnh hơn. Từ cuối tháng 12/2021, TP Đà Nẵng không xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng để tìm F0, mà tập trung bảo vệ bệnh viện, nhóm người già, bệnh nền, người mắc COVID-19 chuyển nặng.
Thêm vào đó, từ tháng 1/2022, khôi phục các chuyến bay quốc tế chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao như: Bắc Kinh, Quảng Châu, Đài Bắc (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco và Los Angeles (Mỹ).
Tất cả những thay đổi nói trên minh chứng rõ rệt về chiến lược chống dịch hoàn toàn mới, một phần nhờ việc phủ vaccine phòng COVID-19.
Nước ta là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Tính đến ngày 5/1/2022, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi tiêm 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%. Chúng ta cũng đang triển khai tiêm mũi 3 cho toàn dân.
Dĩ nhiên vaccine không phải là "bức tường thành" bảo vệ duy nhất trước SARS-CoV-2 và các biến thể của nó, mà phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân + các biện pháp khác, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 5/1/2022.
Song, trong lúc Chính phủ đặt ra chủ trương "linh hoạt, thích ứng" như tinh thần của Nghị quyết 128 thì một số địa phương lại có thư vận động người dân không nên về quê ăn Tết, đồng thời có một số quy định khác về xét nghiệm, cách ly..., gây nhiều lo lắng cho người dân. Như thế thì chẳng khác gì "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "ngăn sông cấm chợ", vô cảm với người xa quê.
Khi chúng ta chấp nhận không "Zero COVID" và thúc đẩy phủ vaccine thì cũng phải đón nhận thực tế số ca nhiễm có thể tăng cao. Điều quan trọng là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới, phát huy vai trò của lực lượng y tế cơ sở, đồng thời nâng cao ý thức và thói quen phòng ngừa, giúp người dân về quê đón Tết an toàn.
Chủ đề của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Hy vọng những chủ trương không phù hợp, không cần thiết như vận động người dân không về quê ăn Tết sẽ được nhanh chóng thay đổi, nhằm hướng đến một cái Tết đoàn viên, ấm áp, an toàn.
Năm mới mang đến niềm hy vọng về những điều tốt đẹp, hạnh phúc, bình an. Chúng ta đã quen với cách sống mới, thì những ngày buồn như hai năm 2020 và 2021 sẽ nhanh chóng qua đi./.